Thứ Ba, 24 tháng 11, 2015

Tính toán dung lượng lưu trữ cho hệ thống camera

Tính toán dung lượng lưu trữ cho hệ thống camera

Khi triển khai hệ thống giám sát an ninh, ngoài việc lựa chọn camera cho phù hợp với ứng dụng, các nhà thiết kế luôn phải đau đầu với bài toán dung lượng lưu trữ. Việc tính toán không hợp lý và thiếu chính xác về dung lượng lưu trữ có thể sẽ ảnh hưởng đến khả năng giám sát  và chi phí đầu tư cho toàn hệ thống.
Khoảng vài năm trước, việc sử dụng DVR 250 GB hoặc 500 GB là phổ biến. Tuy nhiên, vào thời điểm đó nhiều chuyên gia đã dự đoán sẽ có sự gia tăng về dung lượng lưu trữ cho các hệ thống giám sát và thực tế hiện nay dung lượng đã tăng gấp 10 hoặc 100 lần so với trước đây.
Thống kê về khả năng sử dụng dung lượng lưu trữ của các camera dựa vào các thông tin được cung cấp bởi các nhà sản xuất như sau:
• 80% camera giám sát sử dụng từ 60 GB đến 600 GB dung lượng lưu trữ
• 99% camera giám sát sử dụng từ 6 GB đến 6TB dung lượng lưu trữ.

Bài viết chỉ đưa ra một vài trường hợp phổ biến để giúp bạn hiểu rõ hơn khi nào bạn cần 6 GB, 60 GB, 600 GB hay 6 TB.

6 GB – Độ phân giải thấp/Chỉ chuyển động/Thời gian ghi hình vừa phải

Khi sử dụng 6 GB cho mỗi camera, việc lưu trữ các hình ảnh sẽ bị hạn chế rất nhiều. Cụ thể, nếu bạn muốn ghi hình liên tục, bạn chỉ có thể sử dụng luồng 80kb/s để lưu trữ trong 1 tuần - một con số khá thấp, chỉ phù hợp đối với các CODEC CIF ( 352x240)/5 fps.
Việc dành 6 GB cho một camera ghi hình trong một tháng chỉ hợp lý khi camera được lắp đặt ở những khu vực có ít chuyển động và được thiết lập chế  độ  ghi hình dựa trên chuyển động (motion based recording).
Đối với các camera megapixel, dung lượng 6 GB hoàn toàn không thể đáp ứng được nhu cầu lưu trữ. Trên thực tế, một camera megapixel H.264 khi ghi hình với mức chuyển động trung bình sẽ sử dụng 6 GB lưu trữ trong khoảng 7 giờ.
Nếu nhu cầu chỉ cần khoảng 6 GB thì việc sử dụng thẻ SD cho việc lưu trữ là giải pháp hợp lý với điều kiện camera có tích hợp thẻ nhớ. Tuy nhiên, việc lấy hình ảnh từ thẻ nhớ trong camera có thể gặp nhiều trở ngại đối với các hệ thống VMS (Video Management System).
Đối với các DVR/NVR/Server, việc cung cấp hơn 6 GB lưu trữ cho mỗi camera là điều dễ dàng mà không phải đầu tư thêm chi phí. Cụ thể, dung lượng cần thiết cho việc lưu trữ của 16 camera khoảng 100 GB (khá thấp so với dung lượng các ổ đĩa cứng hiện có trên thị trường). Tuy nhiên, hầu hết người dùng hiện nay quan tâm nhiều đến chế độ phân giải cao và khả năng lưu trữ với thời gian dài. Điều này sẽ tạo ra sức ép đối với các hệ thống camera khi sử dụng 6 GB để lưu trữ cho mỗi camera.
60 GB - Độ phân giải SD/Tỉ lệ khung hình và Thời gian ghi hình vừa phải

60 GB là dung lượng lưu trữ phổ biến của các camera trong hệ thống giám sát video ngày nay. Không giống như 6 GB, 60 GB đủ lớn để ghi lại một đoạn video chất lượng trong một khoảng thời gian dài và chi phí đầu tư không quá đắt. Ví dụ, mỗi camera tiêu thụ 60 GB lưu trữ  thì 16 camera cần tổng cộng gần 1 TB - đó là dung lượng chuẩn của ổ đĩa cứng ngày nay.
Với 60 GB, việc ghi hình theo chuyển động có thể lưu trữ được nhiều tháng với độ phân giải 4 CIF (704x480) và tỷ lệ khung hình ít hơn 10 fps. Việc liên tục ghi hình với tỷ lệ khung hình tối đa/độ phân giải SD (720x480) là điều hoàn toàn có thể.
Trong trường hợp này có thể sử dụng các DVR/NVR/Server để đảm bảo khả năng lưu trữ cho các camera (1 TB đến 2 TB cho 16 camera là đủ).
600 GB - H.264 Megapixel/Thời gian ghi hình vừa phải

Một bước tiến lớn trong việc giảm dung lượng lưu trữ đó là sử dụng camera megapixel với chuẩn nén H.264. Trong khi một camera H.264 với hình ảnh tiêu chuẩn (SD 720x480) có thể cần luồng 500 Kb/s tới 1000 Kb/s thì một camera với độ phân giải 1920x1080 megapixel thông thường cần nhiều hơn từ 4-8 lần.

Ví dụ, trong một tháng, dung lượng cho một camera với độ phân giải 1080p ghi hình liên tục tại luồng 2Mb/s là khoảng 600 GB. 2 Mb/s là mức sử dụng thấp của camera megapixel H.264. Chuyển động nhiều hơn và điều kiện ánh sáng thấp hơn có thể sẽ làm tăng gấp đôi hoặc gấp ba mức sử dụng của camera. Trong  khi đó, nếu ghi hình dựa trên chuyển động thì camera độ phân giải 1080p có thể ghi hình trong nhiều tháng với dung lượng 600 GB.
Nếu mỗi camera cần 600 GB, dung lượng lưu trữ cho 16 camera lên đến 10 TB, vì vậy cần phải nâng cấp dung lượng cho các thiết bị DVR/NVR/Server. Khi đó, storage clusters được xem là giải pháp kinh tế và hợp lý.
6 TB - MJPEG Megapixel/H.264 Megapixel/Thời gian dài

Đây là dung lượng lưu trữ ít thấy dành cho một camera, thường chỉ sử dụng cho camera MJPEG Megapixel. Ví dụ, nếu bạn đang sử dụng camera SD thì phải cần 2 năm ghi hình liên tục để có thể đạt được 6 TB. Tuy nhiên, với camera megapixel MJPEG chỉ mất khoảng 1 tháng để sử dụng hết 6 TB.

Với việc dành 6 TB cho mỗi camera, giải pháp storage clusters thực sự là lựa chọn duy nhất. Trong trường hợp này, bạn chủ yếu cần phải quyết định về việc liệu sử dụng một nhóm video giám sát riêng biệt hay nên sử dụng SAN.
Dự báo việc sử dụng lưu trữ trong tương lai

Dung lượng lưu trữ

Một điều ít được chú ý nhưng dễ nhận thấy là khả năng lưu trữ của camera HD (High Definition) sẽ tiếp tục tăng. Nếu 2 năm trước, một ổ cứng 500 GB – 750 GB được xem là dòng sản phẩm cao cấp, thì ngày nay con số này đã tăng gấp đôi: 1-1.5 TB.
Dự đoán trong 5 năm tới, dung lượng lưu trữ cho hệ thống giám sát an ninh có thể tăng gấp bốn so với hiện nay. Có thể năm 2014, một ổ cứng 4 GB – 6 TB có chi phí khoảng $100 USD có vẻ thực tế.
Độ phân giải 

Giữa năm 2006 đến 2009, thị trường giám sát hình ảnh đã có những bước tiến lớn xảy ra ở độ phân giải của các camera giám sát. Việc chuyển từ SD (0,3 megapixel) lên 3 MP/1080p đã tạo ra sự khác biệt thực tế lớn. Điều này có nghĩa là số lượng điểm ảnh được tăng 10 lần, và quan trọng hơn là việc tăng 300% chiều rộng điểm ảnh. Việc sử dụng camera chuyển từ 3 MP đến 5 MP gần như giống nhau về số lượng điểm ảnh nhưng ít thấy về tác động thực tế. Như vậy, camera 3 MP vẫn có thể đáp ứng được nhu cầu thị trường trong nhiều năm tới.

Bên cạnh đó, độ phân giải 1080p là đủ tốt để đáp ứng nhiều ứng dụng camera trong nhà. Một vấn đề lớn với các camera truyền thống là độ phân giải SD chỉ có thể nhận dạng của một đối tượng ở khoảng cách tối đa là 3 mét. Với độ phân giải 1080p, một camera ngày nay có thể nhận dạng đối tượng ở khoảng cách lên đến 10 mét.

CODEC
Trong vài năm trước, việc sử dụng chuẩn nén MJPEG cho các camera megapixel là thách thức lớn đối với các nhà sản xuất camera. Nếu chuẩn nén MJPEG không được thay thế thì điều này sẽ là vấn đề lớn đối với việc lưu trữ. Tuy nhiên, trong năm 2009, chuẩn nén H.264 đã ra đời và thay thế MJPEG và được xem như là tiêu chuẩn CODEC cho các camera Megapixel. Chuẩn H.264 giúp giảm đáng kể dung lượng lưu trữ hơn so với chuẩn MJPEG.
Điều quan trọng hơn, trong năm 2011/2012, nhiều nhà cung cấp camera sẽ cho ra đời chuẩn mã hóa hình ảnh mới H.264 SVC. SVC sẽ có một tác động lớn đến tổng dung lượng lưu trữ của hệ thống camera vì nó cho phép giảm kích thước luồng theo thời gian (bằng cách giảm độ phân giải và/hoặc tỉ lệ khung hình). Điều này có thể giảm tổng dung lượng lưu trữ tới 50% hoặc nhiều hơn. Ví dụ, một camera có thể được thiết lập để ghi lại 30 fps/1080 trong tuần đầu tiên, sau đó tự điều chỉnh xuống còn 5 fps/1080 trong phần còn lại của tháng và sau đó tùy chỉnh một lần nữa còn 1 fps/4 CIF trong 2 tháng tới. Đây chỉ là một ví dụ, nhưng khi sử dụng chuẩn nén này trong thực tế, tổng lưu trữ cần thiết cho một khoảng thời gian 3 tháng sẽ thấp hơn đáng kể hơn so với việc duy trì hình ảnh ở 30 fps/1080 trong 3 tháng liên tục.
Kết luận

Hiện nay, 60 - 240 GB cho mỗi camera là một cấp độ lưu trữ phổ biến. Với những camera megapixel đang được sử dụng và khả năng lưu trữ tiếp tục tăng, trong 5 năm tới, khả năng lưu trữ từ 480 - 600 GB cho mỗi camera sẽ là "định mức". Tuy nhiên, điều này vẫn còn phụ thuộc vào khả năng kinh tế và nhu cầu sử dụng thực sự của người dùng.
Trần Ngọc Thanh
Nguồn : IPVideoMarket.info

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét