Thứ Tư, 25 tháng 11, 2015

Phân biệt các cấp độ đo kiểm kết nối sợi quang

Phân biệt các cấp độ đo kiểm kết nối sợi quang

Trước nhu cầu sử dụng mạng tăng cao trong khi nguồn ngân sách càng lúc càng thắt chặt, việc kiểm soát các kết nối mạng sợi quang có vai trò ngày càng quan trọng hơn. Nguyên nhân khiến phần lớn các kết nối sợi quang bị suy hao cao hoặc không kết nối được thường do bề mặt đầu nối bị nhiễm bẩn, hư hỏng, trầy xước, mối hàn kém chất lượng, hoặc sợi quang bị uốn cong quá mức cho phép trong quá trình vận chuyển và thi công. Do đó, phương pháp hiệu quả nhất để đảm bảo hệ thống mạng hoạt động ổn định là đo kiểm và kiểm tra bề mặt đầu nối quang.
Nhắc đến đo kiểm sợi quang, điều quan trọng hàng đầu cần ghi nhớ chính là giữ an toàn cho bản thân người thi công.
  • Giữ an toàn cho mắt– không nhìn trực tiếp vào tia sáng laser của các thiết bị mạng hoặc thiết bị đo kiểm sợi quang, vì tia laser sẽ gây tổn hại cho mắt.
  • Chú ý các mảnh vỡ và mảnh vụn sợi quang khi thi công– phải để đúng chỗ, tránh gây sát thương cho người thi công.
  • Ngắt điện hệ thống– trừ trường hợp đặc biệt phải đo kiểm trên hệ thống đang hoạt động, nếu không, nên tắt tất cả các thiết bị mạng đang hoạt động nhằm đảm bảo an toàn.

Kiểm tra bề mặt đầu nối quang

Bề mặt đầu nối bị nhiễm bẩn là nguyên nhân hàng đầu khiến kết nối mạng sợi quang không ổn định. Người thi công hoàn toàn có thể tránh được điều này bằng cách vệ sinh sạch sẽ bề mặt đầu nối trước khi kết nối chúng vào hệ thống mạng. Làm sạch đúng cách sẽ giúp hạn chế những hư hỏng có thể xảy ra trên đầu nối và thiết bị, giúp đo kiểm thông số suy hao chính xác hơn và đảm bảo hệ thống mạng hoạt động tốt hơn.
Lõi sợi quang có kích thước rất nhỏ. Đường kính lõi sợi quang SM (singlemode) chỉ từ 8-10 micro mét, còn lõi sợi quang MM (multimode) phổ biến nhất là 50 micro mét. Do đó, một đầu nối bị bụi bám chỉ 0,001 mm cũng có thể gây suy hao cao, gây mất kết nối. Cần vệ sinh sạch sẽ tất cả đầu nối sợi quang trước khi gắn vào hệ thống nhằm ngăn chặn lây lan bụi bẩn. Việc này rất quan trọng vì đầu nối nhiễm bẩn có thể lây lan, thậm chí gây trầy xước các đầu nối khác.
Người thi công nên dùng thiết bị kỹ thuật số để kiểm tra bề mặt đầu nối sợi quang xem có hư hỏng, nhiễm bẩn, vết dầu và trầy xước không. Chỉ cần một vết bụi bẩn nhỏ cũng có thể làm ô nhiễm bề mặt và hủy hoại chất lượng đầu nối sợi quang, hạn chế khả năng hoạt động của hệ thống mạng. Thiết bị kiểm tra kỹ thuật số sẽ phân tích kích thước, chủng loại, số lượng ô nhiễm... có trên đầu nối sợi quang, và đưa ra kết quả pass/fail dựa theo các tiêu chuẩn.
Quá trình kiểm tra sợi quang cũng bao gồm việc sử dụng bộ phát ánh sáng để kiểm tra tính thông suốt trên toàn tuyến kết nối và sự phân cực của các đầu nối. Phương pháp kiểm tra này được gọi là VFL, sử dụng ánh sáng đỏ nhìn thấy được để dò tìm các điểm bị lỗi và đứt gãy trên sợi quang, đồng thời giúp kiểm tra sự phân cực trên một cặp cáp nhảy hoặc cáp MPO.

Tier 1– Đo kiểm thông số suy hao

Thông số suy hao IL (insertion loss) trên sợi quang là giá trị đo suy hao nguồn sáng khi ánh sáng di chuyển từ điểm đầu đến điểm cuối của một tuyến kết nối quang. Mức suy hao được đo bằng đơn vị dB, giới hạn trong một khoảng cách nhất định nơi tín hiệu có thể di chuyển trên sợi quang. Một số trường hợp suy hao là do chất liệu của sợi quang, còn lại hầu hết do kỹ thuật thi công khiến sợi quang bị nhồi nhét hoặc uốn cong quá mức cho phép.
Mức suy hao được đo kiểm bằng thiết bị sử dụng nguồn phát–được gọi là OLS (optical light source) và đầu nhận–được gọi là OPM (optical power meter), còn được biết đến như là phép đo kiểm OLTS (optical loss test set). IL là sự khác nhau giữa mức năng lượng của thiết bị phát và thiết bị nhận. Trong hình bên dưới, mức năng lượng của thiết bị phát là Pin và của thiết bị nhận là Pout (IL = Pin - Pout).
Trên thực tế, thiết bị OLS và OPM được kết nối đến tuyến cáp sợi quang bằng dây đo TRC (test reference cord). Để đo chính xác thông số IL trên tuyến cáp, cần phải tính toán lượng suy hao thêm vào bởi dây đo TRC. Theo tiêu chuẩn TIA-568-C và ISO/IEC 14763-3, có 3 phương pháp để thực hiện việc tính toán này là 1-jumper, 2-jumper và 3-jumper.
Tùy vào phương pháp được chọn, có thể tính hoặc không tính mức suy hao trong các kết nối tại hai điểm đầu cuối của tuyến cáp đang đo. Chuẩn TIA thường khuyên dùng phương pháp 1-jumper, còn chuẩn ISO lại khuyến khích chọn phương pháp 3-jumper.
Dù phương pháp nào được sử dụng đi nữa thì việc thiết lập tham chiếu, thường được gọi là “set reference” cũng phải được thực hiện trước khi tiến hành đo. Quá trình này sẽ giúp thiết bị xác định độ suy hao của sợi cáp dùng trong các phép đo (TRC), sau đó sẽ triệt tiêu mức suy hao này ở kết quả cuối cùng nhằm đảm bảo tính chính xác của phép đo. Ngoài ra, các kỹ thuật viên đo kiểm cũng phải duy trì việc kết nối giữa các sợi TRC với đầu phát của thiết bị đo sau khi đã thực hiện “set reference”. Nếu kết nối này bị gián đoạn thì chúng ta phải thực hiện lại việc “set reference” trước khi tiếp tục tiến hành đo kiểm.
Khi thực hiện đo kiểm hệ thống mạng sợi quang MM theo Tier 1, các sợi TRC kết nối đến thiết bị OLS cần phải là các sợi quang chuẩn, đáp ứng điều kiện về mode truyền để đảm bảo tính chính xác và độ ổn định cho các kết quả đo. Cuộn mandrel với 5 vòng xoắn, là một công cụ giúp loại bỏ các tia sáng higher-order mode khi sử dụng nguồn phát dạng light-emitting diode (LED) để đo kiểm sợi quang MM. Tuy nhiên, cùng với sự phát triển của công nghệ mạng, các yêu cầu về độ chính xác cũng ngày một khắt khe hơn. Do đó, các chuyên gia đầu ngành về lĩnh vực đo kiểm đã cho ra đời một công nghệ đo kiểm mới, tiên tiến và chính xác hơn, đó là Encircled Flux (EF).
EF là một tiêu chuẩn mới được các nhà cung cấp hàng đầu về thiết bị đo kiểm ứng dụng vào trong thiết bị của họ. Đồng thời, EF cũng được hai tổ chức tiêu chuẩn uy tín là TIA và IEC mô tả trong tài liệu của họ như là một yêu cầu bắt buộc khi tiến hành đo kiểm cáp sợi quang MM. Hơn nữa, tiêu chuẩn EF còn được các nhà tư vấn thiết kế hệ thống cáp và các kỹ sư hàng đầu trên thế giới khuyên dùng khi thực hiện đo kiểm chứng nhận sợi quang MM.
Việc đo kiểm sợi quang SM thường không đòi hỏi điều kiện về mode truyền. Tuy nhiên, dù trong khoảng cách rất ngắn vẫn có thể có nhiều mode được truyền, nên tốt nhất là cuộn tròn một vòng 30 mm trên sợi cáp đầu phát TX để loại bỏ những mode không cần thiết này.

Đo chứng nhận

Thiết bị đo chứng nhận chính là thiết bị đo kiểm ở Tier 1, bao gồm máy OLS và OPM. Hai máy này sẽ giao tiếp với nhau thông qua tuyến cáp quang cần đo. Ngoài việc đo các thông số suy hao căn bản, thiết bị này còn đo thêm chiều dài sợi quang, kiểm tra tính liên tục và phân cực. Điểm nổi bật của chúng là khả năng đo kiểm 2 sợi quang cùng lúc theo cả 2 chiều, giúp quá trình đo kiểm nhanh hơn và đáp ứng được các tiêu chuẩn chứng nhận đòi hỏi phải đo suy hao ở cả hai chiều. Thiết bị đo chứng nhận cho phép người dùng lựa chọn pass/fail dựa vào các tiêu chuẩn, thực hiện đo kiểm và đưa ra bản báo cáo hoàn chỉnh một cách tự động.
Để đo kiểm, đầu tiên người dùng phải nhập thông tin về sợi quang cần đo, bao gồm cả số lượng khớp nối, mối nối và lựa chọn đúng tiêu chuẩn, và đúng phương pháp cân chỉnh “set reference”. Ngoài ra, người dùng tại hai điểm đầu cuối của tuyến cáp cần chuyển đổi vị trí dây TX và RX cho nhau để tiến hành đo kiểm hai chiều. Thiết bị sẽ tự động tính toán mức năng lượng cần thiết của tuyến cáp và kết quả đo sẽ được so sánh với mức này, sau đó cho ra kết quả pass hoặc fail.

Đo kiểm Tier 2 với OTDR

Ngoài các phép đo suy hao được cung cấp bởi quá trình đo kiểm ở Tier 1, một số tiêu chuẩn ISO/IEC và ANSI/TIA/BICSI còn yêu cầu đo theo phương pháp OTDR (optical time domain reflectometer). OTDR cũng chính là công cụ xác định vị trí lỗi tốt nhất hiện nay, cung cấp thông tin chi tiết về các sự kiện xảy ra trên toàn bộ chiều dài tuyến cáp sợi quang.
OTDR sẽ phát một xung ánh sáng vào trong lõi sợi quang. Khi xung ánh sáng này di chuyển bên trong sợi quang, sẽ có một số ánh sáng quay về OTDR do hiện tượng tán xạ khi gặp vật cản (hay còn gọi là tán xạ Rayleigh). Các tán xạ sẽ xảy ra liên tục dọc theo sợi quang nếu cấu tạo bên trong lõi sợi quang không hoàn hảo, là nguồn gốc chính gây suy hao. Bước sóng ánh sáng ngắn hơn sẽ tán xạ mạnh hơn, do đó ở các bước sóng ngắn, sợi quang sẽ có IL nhiều hơn. Ví dụ, sợi quang MM sẽ có suy hao tại bước sóng 850 nm cao hơn suy hao tại bước sóng 1300 nm. OTDR đo cường độ ánh sáng tán xạ ngược theo hàm thời gian, sau đó tính ra khoảng cách và hiển thị thành sơ đồ trực quan. Đồng thời, OTDR cũng hiển thị tổng mức suy hao của toàn tuyến sợi quang theo dB và mức suy hao theo khoảng cách (dB/km).
Ngoài tán xạ Rayleigh, ánh sáng còn bị phản xạ từ một điểm nào đó bên trong sợi quang do thay đổi về chỉ số khúc xạ của sợi quang (còn gọi là phản xạ Fresnel). Những nguyên nhân dẫn đến phản xạ này bao gồm: bề mặt đầu nối không tốt, hai đầu nối không khớp nhau, đầu nối chưa được bấm, các mối hàn không tốt và khoảng hở giữa các đầu nối. Những sự kiện này được thể hiện bằng các đỉnh nhọn trên biểu đồ của OTDR. Chiều cao của đỉnh cho biết mức độ phản xạ của sự kiện. Mức phản xạ là tỷ số của ánh sáng phản xạ với ánh sáng tới tại một điểm duy nhất. Đối với các hệ thống mạng LAN hoạt động ở tốc độ 10, 40 hoặc 100 Gbps và các mạng truyền hình, mức phản xạ cao chính là mối quan tâm hàng đầu.
Phản xạ bị ảnh hưởng trực tiếp bởi kỹ thuật thi công và được đo bằng dB. Giá trị phản xạ điển hình cho các kết nối thường trong khoảng từ -35 dB đến -65 dB. Số âm càng lớn, năng lượng phản xạ trở lại OTDR càng ít, đồng nghĩa hiệu suất mạng càng tốt hơn.
OTDR cũng cung cấp một thông số suy hao khác là ORL (optical return loss). ORL là tỷ lệ mức ánh sáng phản xạ trên sợi quang với mức ánh sáng tới được phát vào trong sợi quang. Một phản xạ cao ở đầu cuối một sợi quang dài không ảnh hưởng nhiều đến ORL. Ngược lại, một phản xạ cao ở đầu gần một sợi quang dài hoặc ngắn cũng đều ảnh hưởng đến tổng ORL.
Ngoài đo suy hao trên toàn bộ sợi quang, OTDR cũng có thể đo suy hao ở một phần của sợi quang bằng cách di chuyển con trỏ đến vị trí mong muốn trên biểu đồ. Lưu ý phép đo suy hao trên toàn tuyến sợi quang cung cấp bởi OTDR sẽ không chính xác như phép đo suy hao của Tier 1. OTDR được dùng để kiểm tra các đầu nối, xử lý sự cố và định vị lỗi như đứt sợi quang. Khi cáp được lắp đặt và chứng nhận, sẽ có một biểu đồ cơ sở được thực hiện và lưu giữ để tham khảo. Trong quá trình xử lý sự cố, các biểu đồ cơ sở sẽ được so sánh với biểu đồ hiện hành.
Nhiều OTDR sẽ tự động phát hiện và đo lường các sự kiện, đẩy nhanh quá trình đo kiểm ở Tier 2 và giúp các kỹ thuật viên ít kinh nghiệm vẫn có thể sử dụng tất cả tính năng của một OTDR. OTDR hiển thị một bảng thông tin các sự kiện bao gồm loại sự kiện, mức suy hao, mức phản xạ và một bảng tóm tắt về thông số suy hao cũng như ORL trên toàn tuyến sợi quang.
Để đảm bảo hiệu suất cao khi tăng tốc độ mạng lên 10 Gbps hoặc hơn, thì việc vệ sinh sạch sẽ các đầu nối và có một bộ đầy đủ các thiết bị đo kiểm sợi quang là điều quan trọng nhất. Đảm bảo được điều này, chúng ta sẽ có cơ sở để xác minh chất lượng các lắp đặt mới và chẩn đoán các vấn đề tiềm ẩn trong hệ thống mạng. Các hướng dẫn về việc kiểm tra bề mặt đầu nối sợi quang và các phép đo ở cả Tier 1 và Tier 2 đều đã được cung cấp rất rõ ràng trong các tiêu chuẩn công nghiệp. Điều quan trọng là mọi nhân viên đo kiểm cần phải làm quen, thông thuộc với các tiêu chuẩn và các thiết bị cần thiết cho việc lắp đặt cũng như duy trì hệ thống mạng hiện nay.
Nguyễn Văn Đông Minh
Theo Cabling Installation & Maintenance

7 sự cố mạng thường gặp và cách khắc phục

7 sự cố mạng thường gặp và cách khắc phục

Bạn đã từng gặp sự cố khi sử dụng mạng? Bạn đã từng bối rối khi không biết đâu là nguyên nhân gây ra các sự cố, đâu là giải pháp khắc phục? Sau đây là danh sách 7 sự cố mà các kỹ thuật viên mạng thường gặp nhất, nguyên nhân và giải pháp cho từng sự cố.

1. Không thể lấy địa chỉ IP

Dấu hiệu:

Biểu tượng mạng trên máy tính hiển thị tình trạng không hoạt động. Hệ điều hành cảnh báo không thể nhận địa chỉ IP từ máy chủ DHCP. Khi kiểm tra trạng thái cổng mạng, không có địa chỉ nào được gán ngoại trừ địa chỉ 169.254.x.x (là địa chỉ hệ điều hành Windows tự cấp cho máy tính khi không nhận được IP).

Nguyên nhân:

Có thể do máy chủ DHCP hết quỹ địa chỉ, dịch vụ DHCP trên máy chủ bị vô hiệu hóa, hoặc yêu cầu DHCP được gửi từ thiết bị đầu cuối không đến được máy chủ.

Giải pháp:

Hãy lưu ý xem “Lỗi này chỉ xảy ra với một người dùng hay với tất cả mọi người?” Nếu chỉ một người bị lỗi, nên kiểm tra lại cấu hình DHCP trên máy trạm. Sau đó, kiểm tra cổng mạng tương ứng thuộc VLAN nào trên switch. Kiểm tra máy trạm của người dùng trên VLAN tương ứng có thể nhận địa chỉ IP hay không. Nếu chúng không nhận được, sự cố này có thể do router không thể chuyển tiếp các yêu cầu DHCP đến máy chủ. Nếu các máy trạm thuộc nhiều VLAN khác nhau cùng bị lỗi, nguyên nhân sẽ do chính máy chủ DHCP. Máy chủ có thể chưa chạy dịch vụ DHCP, hoặc đã cạn quỹ địa chỉ. Nếu tổ chức có nhiều máy chủ DHCP, lỗi này có thể do một trong số các máy chủ được cấu hình không phù hợp. Ngoài ra, cũng có thể do một AP (Access Point) giả mạo, do nhân viên tự ý mang đến và cắm vào hệ thống mạng, cung cấp dịch vụ DHCP giả mạo cho hệ thống mạng.

2. Không thể kết nối đến máy chủ

Dấu hiệu:

Ứng dụng trên máy người dùng cảnh báo “Không thể kết nối đến máy chủ”. Các cảnh báo này xuất hiện khi người dùng sử dụng các ứng dụng như e-mail, CRM. Người dùng hay than phiền do mạng bị “rớt”, tuy nhiên đó không phải là nguyên nhân duy nhất của vấn đề.

Nguyên nhân:

Lỗi này có thể xảy ra do nhiều nguyên nhân khác nhau. Điều cần quan tâm là có gặp lỗi thường xuyên không, hay chỉ thỉnh thoảng? Nếu lỗi xảy ra thường xuyên dù máy tính đã được cấp địa chỉ IP phù hợp, nguyên nhân có thể do các vấn đề về định tuyến trên hệ thống mạng giữa máy trạm và máy chủ, có thể kiểm tra dễ dàng với một vài thao tác “ping”. Nếu lỗi xảy ra không thường xuyên, có thể do máy chủ bị quá tải và không thể phản hồi các yêu cầu từ máy trạm.

Giải pháp:

Trong trường hợp không phải do định tuyến, hãy kiểm tra lại mức độ sử dụng và tài nguyên của máy chủ. Máy chủ có đang quá tải do chạy song song các tác vụ khác như sao lưu dữ liệu không? Nếu không, thử kiểm tra lưu lượng mạng giữa máy trạm và máy chủ xem có quá tải không? Phương thức tốt nhất là sử dụng công cụ SNMP nhằm giám sát hiệu năng các kết nối. Ngoài ra, các lỗi Ethernet (FCS Error, Alignment Error, hay Late Collision) trên switch và router cũng có thể là nguyên nhân gây mất gói tin giữa máy trạm và máy chủ.

3. Hiệu suất ứng dụng thấp

Dấu hiệu:

Các ứng dụng hoạt động chậm chạp. Màn hình của người dùng có thể bị đứng, không hoạt động hoặc bị ngăn chặn khi truy xuất dữ liệu. Thông thường, người dùng sẽ đổ lỗi cho hệ thống mạng hoạt động quá chậm.

Nguyên nhân:

Để tránh đổ lỗi cho hệ thống mạng, các nhân viên IT phải chẩn đoán, cô lập và xác định chính xác vùng xảy ra sự cố. Việc ứng dụng hoạt động không tốt có thể xuất phát từ nhiều nguyên nhân, thường gặp nhất là do máy chủ tiến hành sao lưu dữ liệu trong giờ làm việc, chiếm tài nguyên hệ thống mạng, làm giảm tốc độ truy suất cơ sở dữ liệu của máy chủ và gây mất gói trên hệ thống mạng. Ở góc độ kỹ thuật viên, cần xác định nguyên nhân sự cố là do máy chủ hay do hệ thống mạng? Để làm được điều đó, cần thu thập các gói tin của ứng dụng và tìm xem có hoạt động truyền lại nào giữa máy trạm và máy chủ không? Nếu có, đồng nghĩa việc mất gói tin trên đường truyền chính là nguyên nhân ảnh hưởng đến hiệu suất ứng dụng. Nếu không xuất hiện tình trạng truyền lại, kết nối giữa máy trạm và máy chủ vẫn được thiết lập bình thường, nguyên nhân có thể liên quan đến các vấn đề tại máy chủ.

Giải pháp:

Dù rất khó tìm ra nguyên nhân vấn đề nếu chỉ dựa vào bộ phân tích gói tin, nhưng người ta vẫn thường dùng chúng để đếm số lượt truyền lại các gói TCP. Sử dụng bộ đếm này giúp xác định số gói tin bị mất giữa máy trạm và máy chủ. Tham khảo các thông số như lỗi Ethernet trên switch, router giữa máy trạm và máy chủ có thể là nguyên nhân gây ra hiện tượng mất gói tin. Nếu không xuất hiện các lỗi trên, hãy lưu ý khả năng mất gói tin trên hệ thống WAN do sử dụng vượt mức cho phép của nhà cung cấp dịch vụ. Ngoài ra, cũng có thể đo lường hiệu suất ứng dụng bằng các bộ công cụ phân tích mạng chuyên nghiệp, cung cấp thông tin từ việc bắt các gói tin và phân tích thời gian phản hồi từ các máy chủ, thời gian xử lý trên máy con và cả thời gian truyền trên hệ thống mạng, từ đó đưa ra nhận định chính xác đâu là nguyên nhân gây ra lỗi hiệu suất mạng.

4. Các lỗi về in ấn

Dấu hiệu:

Hệ thống in ấn qua mạng hoạt động không ổn định. Máy in vẫn hiển thị sẵn sàng nhưng các tác vụ in được gửi lại không thể hoàn thành.

Nguyên nhân:

Cần xác định tình trạng này xảy ra tại một hay nhiều máy trạm? Nếu chỉ xảy ra tại một máy, có thể do máy tính không được thiết lập phù hợp để kết nối đến máy in. Nếu không phải nguyên nhân này, có thể do hệ thống mạng giữa máy trạm và máy in gặp vấn đề. Mất gói tin cũng có thể là nguyên nhân gây ra các lỗi về kết nối mạng của máy in..

Giải pháp:

Kiểm tra cấu hình máy trạm xem đã nhận được địa chỉ IP thích hợp để truy cập đến máy in chủ (print server) chưa? Đôi khi, cập nhật trình điều khiển máy in (driver) cũng giúp giải quyết các lỗi này. Nhìn chung, hãy chắc chắn dung lượng mạng đến và đi từ máy in luôn được đảm bảo, đồng thời cập nhật các trình điều khiển cho tất cả các máy in trong hệ thống.

5. Cáp kém chất lượng

Dấu hiệu:

Chất lượng kết nối của máy trạm rất thấp, thậm chí không thể kết nối vào bất kì thiết bị nào trong hệ thống mạng.

Nguyên nhân:

Gigabit cho máy trạm đã trở nên thông dụng trong hệ thống mạng hiện nay. Công nghệ Gigabit cần bốn đôi dây cho một kết nối, do đó, hệ thống cáp phải đạt tiêu chuẩn từ Cat. 5e trở lên. Với các tòa nhà cũ, đây là nguyên nhân cần lưu ý đầu tiên. Ngoài ra, cáp bị tháo xoắn quá nhiều (khi bấm đầu hay kết nối vào thanh đấu nối) cũng có thể là nguyên nhân gây mất tín hiệu, dẫn đến lỗi FCS trên switch hay tại cổng mạng máy tính.

Giải pháp:

Trong hầu hết trường hợp, giải pháp đơn giản nhất là thay thế cáp. Nếu lỗi là do tháo xoắn cáp quá mức, tiến hành bấm lại đầu kết nối và kiểm tra bằng bộ máy test cáp mạng LAN sẽ giải quyết được vấn đề. Nếu do hệ thống cáp đã lỗi thời, không thể hỗ trợ các công nghệ mới như Gigabit hay PoE (Power over Ethernet), nên cân nhắc việc thay thế bằng hệ thống cáp Cat. 5e hoặc hơn.

6. Lỗi DNS

Dấu hiệu:

Người dùng không thể kết nối Internet hoặc các ứng dụng. Hệ thống mạng hiển thị không kết nối.

Nguyên nhân:

Máy trạm không thể phân giải tên của máy chủ nên không thể gửi các yêu cầu kết nối. Nguyên nhân thường do cấu hình DNS trên máy trạm không phù hợp, máy chủ không thể phân giải được các yêu cầu DNS gửi từ máy trạm (do không có trong cơ sở dữ liệu), hay do mất gói tin trên đường truyền. Do DNS là một loại giao thức UDP nên các gói tin bị mất không được truyền lại. Đây là nguyên nhân cơ bản dẫn đến lỗi DNS.

Giải pháp:

Kiểm tra lại cấu hình DNS máy trạm. Nếu cấu hình không chính xác, cần cấu hình lại cho máy trạm hoặc cấu hình lại máy chủ DHCP nhằm cung cấp thông tin chính xác cho máy trạm. Kiểm tra máy chủ DNS từ phía máy trạm nhiều lần nhằm đánh giá tình trạng phản hồi của máy chủ, xem có xuất hiện tình trạng mất gói không? Nếu có, hãy xem xét các lỗi Ethernet giữa máy trạm và máy chủ. Tốt nhất, nên thiết lập một công cụ liên tục kiểm tra máy chủ DNS và cảnh báo khi có sự cố xảy ra.

7. Máy trạm không thể kết nối Wi-Fi

Dấu hiệu:

Máy trạm có thể phát hiện AP nhưng không thể kết nối vào hệ thống Wi-Fi.

Nguyên nhân:

Không có thông tin về bảo mật, nhiễu kênh và điểm chết có thể là nguyên nhân của vấn đề. Vì hệ thống mạng không dây là vô hình, rất khó để theo dõi các sự cố trừ khi có công cụ thích hợp.

Giải pháp:

Sử dụng các công cụ giám sát mạng không dây để đo lường độ mạnh tín hiệu tại vùng ảnh hưởng, và nếu có thể, hãy khảo sát các vùng lân cận, tìm kiếm các AP không chính thức hay AP mạo danh-là các AP mà người dùng mang vào sử dụng mà chưa có sự cho phép từ các kỹ sư quản trị mạng. Các AP này có thể được cấu hình chồng lên các kênh Wi-Fi hiện có và ảnh hưởng đến chất lượng Wi-Fi. Kiểm tra các nguồn nhiễu xung quanh các AP như lò vi sóng hay điện thoại không dây. Kiểm tra tiến trình kết nối đến AP của máy trạm, xác định lỗi xuất hiện ở bước nào– Liên kết, xác thực, chứng thực, ủy quyền.

Kết luận

Trên đây là danh sách 7 sự cố người dùng thường gặp nhất khi sử dụng mạng hiện nay. Trong nhiều trường hợp, các sự cố doanh nghiệp gặp phải thường tập trung ở một hoặc hai nguyên nhân phổ biến, và đã được giải quyết. Những nguyên nhân này cần được ghi nhận lại nhằm giúp các nhân viên khác hoặc nhân viên mới xử lý sự cố nhanh hơn. Song song đó, việc ứng dụng công cụ thích hợp cũng sẽ giúp các kỹ thuật viên giải quyết sự cố nhanh hơn mà không đòi hỏi phải có nhiều năm kinh nghiệm trong lĩnh vực này.
Vũ Quang Minh
Theo Fluke Networks

Tiêu chuẩn nhãn in trong hệ thống mạng

Tiêu chuẩn nhãn in trong hệ thống mạng

Đánh nhãn hệ thống cáp giúp vận hành công việc và quản trị hệ thống dễ dàng hơn bao giờ hết. Ví dụ như phát hiện và xử lý sự cố nhanh hơn, giảm thời gian gián đoạn mạng, đảm bảo chất lượng hệ thống cáp và tuân thủ các điều kiện bảo hành từ nhà sản xuất và đơn vị thi công
Tiêu chuẩn ANSI/TIA 606-B được công bố vào năm 2012, cung cấp một tiêu chuẩn kỹ thuật chung cho việc đánh nhãn hệ thống cáp và là một trong những phương thức quản trị tốt nhất trong lĩnh vực hạ tầng cáp cấu trúc hiện nay. Ngoài ra, ANSI/TIA 606-B còn quy định tiêu chuẩn đánh nhãn cho nhiều loại kiến trúc khác nhau như tòa nhà văn phòng, tòa nhà thương mại, tòa nhà trong khuôn viên rộng lớn, trung tâm dữ liệu... Đánh nhãn hệ thống cáp sẽ giúp nhà quản trị có được những thông tin về vị trí kết nối một cách chính xác nhất. Nếu không đánh nhãn, khi xảy ra sự cố kết nối, nhà quản trị hệ thống không thể tìm ra vấn đề nằm ở đâu trong số hàng ngàn kết nối của hệ thống. Để xử lý được sự cố, quản trị viên phải liên hệ lại những đơn vị thi công, việc đó làm mất rất nhiều thời gian và chi phí trong khi hệ thống vẫn đang không thể hoạt động.
Đánh nhãn hệ thống cáp không phải là yêu cầu bắt buộc, nhưng sẽ nó sẽ giúp nhà quản trị xử lý sự cố nhanh hơn, đơn vị tư vấn hoạt động chuyên nghiệp hơn và đơn vị thi công đảm bảo chất lượng lâu dài hơn cho dự án.
Việc đánh nhãn và thiết lập sơ đồ đánh nhãn hạ tầng mạng theo tiêu chuẩn là vô cùng quan trọng và được xem là yêu cầu thiết yếu trong việc quản trị hạ tầng hệ thống cáp. Một sơ đồ đánh nhãn hoàn thiện sẽ giúp các nhà quản trị tiết kiệm thời gian xử lý sự cố, giảm các lỗi do con người gây ra và tăng vòng đời của hệ thống mạng. Hiện nay, ngày càng có nhiều nhà quản lý CNTT, đơn vị thiết kế/tích hợp hệ thống, đơn vị thi công hệ thống CNTT yêu cầu bắt buộc đánh nhãn theo tiêu chuẩn để quản lý tất cả các thành phần trong hệ thống của họ.

Tổng quan về tiêu chuẩn 606-B

Về nhãn in

Tiêu chuẩn ANSI/TIA 606-B quy định các đoạn văn bản trên nhãn in phải được nhìn thấy rõ ràng trên cáp, nhãn phải được đánh dấu ở cả hai đầu của một tuyến cáp để dễ dàng “truy tìm” từ hai hướng.
Bên cạnh đó, nhãn in phải đáp ứng các đặc điểm kỹ thuật UL 969 (độ dễ đọc, độ bền nhãn và độ bám dính). Điều này đồng nghĩa với việc cần phải thiết kế các loại nhãn phù hợp và đáp ứng với những môi trường (nhiệt độ, độ ẩm, ánh sáng cực tím) và ứng dụng (cáp, tủ rack, thanh đấu nối…) khác nhau.
Đánh nhãn điểm đầu và điểm cuối từng kết nối trong toàn bộ hệ thống cáp sẽ giúp nhà quản trị xây dựng được sơ đồ kết nối cụ thể, đó là một trong những hướng dẫn điển hình cho một hệ thống cáp cấu trúc. Nếu đường cáp hoặc vị trí kết nối có vấn đề, dựa vào sơ đồ này người quản trị có thể xử lý sự cố dễ dàng và nhanh hơn, giảm tối đa thời gian chết của hệ thống.

Về quản trị

Tiêu chuẩn 606-B quy định về việc quản trị viên phụ trách các thiết bị hạ tầng và đội ngũ IT cần đảm bảo nhãn in trên cáp và các thành của hệ thống phải được cập nhật sau những lần thay đổi (MAC). Quản trị viên phải cập nhật lại những lần thay đổi trong tài liệu đánh nhãn. Một tài liệu đánh nhãn hoàn chỉnh phải thể hiện được sơ đồ đánh nhãn và hướng dẫn chi tiết chính xác nhất, cung cấp tất cả thông tin cần thiết cho đội ngũ quản trị khắc phục các sự cố hư hỏng do cháy, lũ lụt, động đất hoặc rủi ro khác.

Cách đánh nhãn cho những nhà thi công chuyên nghiệp

“Các nhà thiết kế hệ thống và nhà thầu thi công chuyên nghiệp trong lĩnh vực cáp cấu trúc đều đánh nhãn dựa theo tiêu chuẩn ANSI/TIA để quản lý hệ thống cáp cấu trúc trong các dự án của họ” nhận xét từ Bill Lenz, RCDD– kỹ sư truyền thông cấp cao của Genesis Cabling Services. Ông là người đã phổ biến máy in nhãn công nghiệp, là một kỹ sư và cựu giảng viên giàu kinh nghiệm được tổ chức BISCI chứng nhận, Lenz hiểu rất rõ vai trò và giá trị của các tiêu chuẩn công nghiệp. Ông lưu ý: “Khách hàng của chúng tôi rất coi trọng dự án của họ, dù lớn hay nhỏ, tất cả đều phải lắp đặt hoàn toàn tuân thủ theo các tiêu chuẩn phù hợp. Chúng tôi không những đánh nhãn mà còn thiết lập sơ đồ hệ thống đánh nhãn, tài liệu quản trị, lưu vào cơ sở dữ liệu để đảm bảo tính chính xác, giúp việc quản trị sau này thuận lợi hơn”. Đây là bước cần thiết để đảm bảo chất lượng lâu dài của hệ thống. Nếu không xác định được chính xác vị trí từng thành phần trong cơ sở hạ tầng mạng, bạn đang đưa doanh nghiệp vào tình thế nguy hiểm. Do đó, việc tuân thủ tiêu chuẩn đánh nhãn trong hạ tầng mạng là phương thức quản trị hiệu quả nhất. Chính điều đó sẽ giúp các tổ chức, doanh nghiệp khai thác tối đa sức mạnh của hạ tầng mạng, giảm thiểu thời gian chết của hệ thống và giảm chi phí xây dựng lại trong trường hợp xảy ra sự cố.

Những máy in nhãn thế hệ mới

Sử dụng nhãn và đánh nhãn theo tiêu chuẩn cho tất cả các thành phần trong hệ thống mạng nghe có vẻ phức tạp, nhưng với các giải pháp dựa trên công nghệ hiện đại, việc này trở nên dễ dàng hơn. Trên thị trường hiện nay, có nhiều máy in nhãn ứng dụng công nghệ thông minh cho độ linh hoạt cao, kết hợp với các tính năng chuyên sâu giúp việc đánh nhãn nhiều thành phần khác nhau trong hệ thống mạng trở nên dễ dàng và nhanh chóng.
Máy in nhãn cầm tay với thiết kế cứng cáp, bền, dễ thao tác và hoạt động ổn định trong thời gian dài, là sản phẩm chuyên dụng, lý tưởng cho các đơn vị thi công sử dụng tại công trường. Ngày nay, các máy in nhiệt được sử dụng nhiều nhờ có hộp mực tích hợp chung với cuộn nhãn (băng nhãn), có thể dùng cho nhiều khổ nhãn bề ngang đến 24 mm hoặc 36 mm, và dễ dàng thay thế các cuộn nhãn khác nhau. Các cuộn nhãn được chế tạo từ chất liệu polyeste laminated với độ bền được UL chứng nhận. Nhãn in được bảo vệ bằng hai lớp màng bọc bên ngoài, đảm bảo cả nhãn và lớp mực in không bị giảm chất lượng trong thời gian dài. Nhãn in và chất bám dính đáp ứng tiêu chuẩn chất lượng 606-B– quy định về độ bền cho nhãn in.
Một số máy in nhãn thông minh tích hợp sẵn wifi, có khả năng kết nối không dây và tích hợp phần mềm cho phép người dùng lưu trữ dữ liệu hoặc tải dữ liệu về từ cơ sở dữ liệu chung. Người dùng cũng có thể truy cập trang web của nhà sản xuất để tải về thiết kế các mẫu nhãn có sẵn, nhờ đó tăng đáng kể hiệu suất và rút ngắn thời gian đánh nhãn.
Qua nhiều năm sử dụng những máy in nhãn thông minh, Lenz nhận xét cả hai dòng sản phẩm máy in nhãn cầm tay và máy in nhãn để bàn đều phù hợp cho những dự án từ nhỏ đến lớn. Ông giải thích: “Nhờ những ưu điểm về chức năng và tính linh hoạt, sản phẩm này có thể đánh bại các máy in nhãn mới nhất trên thị trường. Trong những dự án lớn, in nhãn tuần tự và các tùy chọn kết nối không dây là tính năng vô cùng hữu ích. Nhờ khả năng in nhãn nhanh chóng và linh hoạt, công cụ này giúp việc đánh nhãn thuận tiện hơn nhiều, dù là nhãn dạng mã vạch hay những biểu tượng công nghiệp và đồ họa. Đội thi công lắp đặt dễ dàng tìm thấy những biểu tượng phù hợp để sử dụng mà không cần phải qua đào tạo hoặc mất thời gian nghiên cứu các tài liệu hướng dẫn đi kèm. Với những dòng sản phẩm máy in nhãn cầm tay có chi phí hợp lý, mỗi kỹ thuật viên đều có thể trang bị một máy để đem theo đến bất cứ đâu và làm việc một cách tiện lợi nhất”. Khi lựa chọn máy in nhãn công nghiệp cầm tay, có thể dễ dàng nhận thấy các tính năng nổi trội của dòng sản phẩm này:
  • Bàn phím QWERTY: có các nút đánh dấu rõ ràng, thanh điều hướng dễ thao tác cho phép thiết kế và chỉnh sửa các nhãn khác nhau nhanh hơn chỉ với một vài tổ hợp phím.
  • Màn hình LCD lớn: cung cấp khả năng hiển thị tối ưu trong mọi môi trường, mang lại cái nhìn toàn diện về nhãn in sau khi thiết kế và trước khi in, giúp người dùng dễ dàng thao tác chỉnh sửa, thiết kế lại nhãn in cho phù hợp.
  • Tự động điều chỉnh kích thước chữ thông minh: ở chế độ này, kích cỡ chữ và chiều dài nhãn sẽ được tự động cân chỉnh để nhãn sau khi in có chiều dài hợp lý và rõ ràng nhất, phù hợp với các định dạng của tiêu chuẩn ANSI/TIA. Với chế độ tự động thông minh này, người dùng có thể an tâm nhãn sau khi in sẽ phù hợp cho các loại cáp đồng đôi xoắn, cáp quang, dây điện, mặt ổ cắm, thanh đấu nối...
  • Tốc độ in nhanh hơn: tăng hiệu quả và năng suất đánh nhãn.
  • Kết nối máy tính, phần mềm tích hợp sẵn và bộ nhớ của máy: ngoài việc sử dụng các mẫu nhãn được thiết kế sẵn, người dùng có thể sử dụng phần mềm tích hợp sẵn để thiết kế nhiều mẫu nhãn khác nhau và lưu lại bộ nhớ của máy hoặc tải về thêm các mẫu nhãn được thiết kế sẵn khác.
  • Giao diện người dùng đa ngôn ngữ: tạo ra môi trường làm việc thân thiện hơn, người dùng không cần lo lắng về sự bất đồng ngôn ngữ nữa.
Ngày nay, những máy in nhãn thông minh sẽ sử dụng được với nhiều loại băng nhãn khác nhau về kích cỡ, màu sắc cho đến chất kết dính để phục vụ nhu cầu đa dạng của người dùng. Bên cạnh đó, một số người dùng cũng chọn sử dụng loại nhãn chuyên biệt để in trên ống co nhiệt, thường áp dụng cho cáp sợi quang.

Kết luận:

Dù chỉ là một trong những yếu tố giúp hoàn thiện cho hệ thống cáp cấu trúc, nhưng việc đánh nhãn có ý nghĩa thực sự quan trọng. Chẳng hạn trong Trung tâm Dữ liệu, để đảm bảo hệ thống đáp ứng yêu cầu hoạt động xuyên suốt, hiệu suất ổn định và xử lý nhanh nhất các sự cố kết nối, cần phải có một hệ thống đánh nhãn hoàn chỉnh. Bất kể bạn đang thiết lập hệ thống hạ tầng mạng mới, nâng cấp mạng LAN, lắp đặt máy chủ mới, nâng cấp đường trục chính, hoặc kéo cáp lại cho toàn bộ hệ thống, cần phải đánh nhãn sau khi hoàn thành các hoạt động trên. Ngoài việc đánh nhãn phải tuân thủ tiêu chuẩn ANSI/TIA-606-B, bạn cũng cần một máy in nhãn thông minh để nâng cao năng suất làm việc. Các giải pháp quản lý cáp cao cấp và các máy in nhãn cầm tay hiện nay hoàn toàn có thể đáp ứng được yêu cầu này. Chỉ với một khoản chi phí tương đối thấp, bạn đã có thể sở hữu chiếc máy in nhãn cầm tay mang lại hiệu quả cao.
Lê Trần Chinh
Theo Cabling Installation & Maintenance

Lựa chọn switch cho hệ thống giám sát an ninh

Lựa chọn switch cho hệ thống giám sát an ninh

Luôn có nhiều thiết bị khác nhau hoạt động trong cơ sở hạ tầng CNTT của các tổ chức hoặc doanh nghiệp. Làm thế nào để sử dụng các thiết bị này một cách hiệu quả với hiệu suất tối đa trong mọi môi trường hoạt động, đặc biệt là thiết bị switch dành cho hệ thống camera giám sát an ninh?
Hiện nay, có thể nhận thấy mức độ phổ biến của hệ thống giám sát hình ảnh IP thông qua số lượng ngày càng tăng của các dự án mới. Các công nghệ mới nhất đang được ứng dụng trong camera IP như độ phân giải hình ảnh cao, xử lý nhiễu, cân bằng ánh sáng… buộc cả hệ thống xử lý phải hoạt động với hiệu suất cao nhất. Trong một hệ thống giám sát hình ảnh IP, bên cạnh các camera IP thì thiết bị/hệ thống switch cũng được xem là một trong những thành phần quan trọng không thể thiếu. Chúng ta sẽ tìm hiểu hai yếu tố có ảnh hưởng trực tiếp đến hệ thống giám sát hình ảnh IP là “Transmission Capability” (Năng lực truyền dữ liệu) và “PoE Capability” (Khả năng PoE).

Năng lực truyền dữ liệu

Khi xem xét đến năng lực truyền dữ liệu trong switch, người dùng thường quan tâm đến các thông số về tốc độ (10/100/1000), băng thông, throughput, non-blocking hay blocking... Với hệ thống giám sát IP, các thông số trên sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến việc truyền hình ảnh của camera, do các camera IP độ phân giải cao hiện nay chiếm khá nhiều băng thông khi truyền, do đó cần switch có hiệu suất cao để xử lý. Một switch non-blocking 24 cổng (10/100/1000), nếu mỗi cổng được quy định 2G ở chế độ full-duplex (cho phép dữ liệu truyền đồng thời trên cả hai hướng ra/vào), khả năng chuyển mạch của switch sẽ là 24x2 G = 48 G, đảm bảo năng lực cho bất kỳ hệ thống giám sát IP nào. Với switch non-blocking, tất cả các cổng có thể truyền tải dữ liệu tại tốc độ tối đa, khi đó hình ảnh ghi lại được từ camera có thể truyền tải về trung tâm quản lý và giám sát đầy đủ nhất.
Hiện nay, người dùng có thể kiểm tra năng lực thực sự của switch bằng cách sử dụng những công cụ kiểm tra đang có trên thị trường. Tuy nhiên, những thiết bị kiểm tra này cũng có những hạn chế nhất định và thực tế không quá cần thiết để người dùng phải bỏ thêm chi phí đầu tư.
Hình 1 : miêu tả việc kết nối tất cả cáp và thiết lập truyền tải dữ liệu giữa các cặp cổng RJ45 (kiểm tra tùy chọn là “Bidirectional”).
Việc truyền tải các gói khác nhau theo cơ chế full-duplex cũng được thực hiện tại cùng thời điểm. Nếu thông tin hiển thị cho biết thiết bị hỗ trợ “full wired-speed”, các số liệu “Aggregated Throughput” và “Aggregated Theoretical Max” trong biểu đồ sẽ khớp nhau. Khi các cổng được ghép cặp cho việc kiểm tra, thông số throughput thực sự sẽ là 2x3000 Mbps = 6000 Mbps (6 Gbps).
Như đã đề cập, người dùng ít khi trang bị các thiết bị kiểm tra này vì lý do chi phí. Tuy nhiên, chúng ta vẫn có thể yêu cầu nhà sản xuất switch cung cấp các dữ liệu báo cáo thử nghiệm (như trong hình 2).
Với những dữ liệu như trên, người dùng có thể yên tâm khai thác hết năng lực hoạt động của thiết bị trong một thời gian dài. Đây không phải là những bản số liệu đơn điệu, nó nhấn mạnh tầm quan trọng về năng lực của thiết bị và gián tiếp ảnh hưởng đến sự ổn định hệ thống mạng. Trong ứng dụng thực tế, phải hiểu rõ toàn bộ khả năng của thiết bị để tiến hành những tùy chỉnh hiệu suất thích hợp, bao gồm quản lý thiết bị mạng và hoạch định luồng dữ liệu. Thiết bị cũng phải có năng lực dự phòng để tránh những trục trặc không lường trước khi có thay đổi đột ngột trong môi trường mạng.

Khả năng PoE

PoE (Power over Ethernet) thực sự là giải pháp cấp nguồn thuận tiện và hiệu quả về mặt chi phí cho các hệ thống giám sát IP trong thời điểm hiện tại. Các nhà tích hợp hệ thống hoặc người dùng không cần mua thêm bộ nguồn để kết nối đến mỗi camera IP ở từng địa điểm hác nhau. Dưới đây là những dữ kiện quan trọng cần xem xét để lựa chọn switch PoE thích hợp nhằm tăng hiệu quả và hiệu suất cho hệ thống giám sát IP.
“Một thiết kế có thể xử lý tải tối đa khi có nhiều thiết bị dùng nguồn PoE kết nối vào là yếu tố quan trọng cần xem xét khi chọn lựa switch poE.” Hầu hết switch PoE trên thị trường thuộc một trong hai loại sau: “Bảo đảm nguồn trên mỗi cổng” (guarantee per port) và “Tổng số nguồn cung cấp” (total power budget).

Bảo đảm nguồn trên mỗi cổng

Điểm nhận biết loại switch PoE này là thông số cấp nguồn trên mỗi cổng được các nhà sản xuất nêu ra cụ thể, trung bình 15,4 W mỗi cổng, đáp ứng yêu cầu nguồn của hầu hết thiết bị camera IP trên thị trường hiện tại. Loại switch PoE này cũng cho phép người dùng linh hoạt hơn trong việc hoạch định và mở rộng hệ thống giám sát IP. Những switch PoE này hoạt động tương tự thiết bị cung cấp nguồn điện (PSE), sẽ cung cấp đủ nguồn cho các thiết bị tiêu thụ (PD) sau khi lấy thông tin điện năng tiêu thụ của từng IP camera và so sánh các dữ liệu liên quan với tổng số camera IP đã kết nối. Với mỗi cổng đều được thiết kế theo giao thức chuẩn IEEE802.3af hoặc IEEE802.3at, các switch PoE sẽ đảm bảo cung cấp đầy đủ nguồn điện cho các thiết bị camera, chỉ cần cắm-và-chạy một cách đơn giản, không phải cấu hình phức tạp.

Tổng số nguồn cung cấp

Switch PoE này sẽ cung cấp thông số nguồn tổng cho việc sử dụng thiết bị, ví dụ như tổng nguồn là 365 W. Tuy nhiên, người dùng cần cân nhắc một số điểm khi chọn lựa loại thiết bị này cho hệ thống giám sát hình ảnh IP. Chẳng hạn, các tính năng phụ của camera IP như pan-tilt-zoom, quạt làm mát, bộ tản nhiệt hoặc đèn hồng ngoại... khi hoạt động sẽ cần thêm nhiều nguồn điện cung cấp. Nếu tổng nguồn tiêu thụ của các thiết bị vượt quá “tổng số nguồn cung cấp” của switch PoE, toàn bộ thiết bị sử dụng nguồn qua switch PoE này có thể gặp sự cố. Người dùng nên tính toán chính xác tổng nguồn tiêu thụ thực tế của tất cả thiết bị để tránh các lỗi có thể phát sinh khi sử dụng nguồn qua switch. Ngoài vấn đề nguồn, người dùng cũng nên cân nhắc điều kiện môi trường lắp đặt trên thực tế khi chọn lựa switch PoE.
Khi lên kế hoạch cho một hệ thống giám sát IP, người dùng có thể tiến hành một bài kiểm tra đơn giản, bằng cách kết nối các camera IP đến tất cả cổng trên switch PoE dưới điều kiện nhiệt độ trong phòng. Người dùng nên để hệ thống hoạt động vài ngày nhằm kiểm tra xem liệu nó có hoạt động bình thường hay không. Người dùng cũng được khuyến nghị nên kiểm tra hệ thống thêm vài lần (nếu được) dưới điều kiện tải tối đa và hoạt động ở nhiều mức nhiệt độ khác nhau. Khi thiết bị hoạt động trong thời gian dài với mức tải cao hoặc có những thay đổi nhiệt độ nhanh chóng, có thể sẽ xuất hiện tình trạng mất ổn định. Một switch PoE tốt phải có khả năng chịu đựng được những thách thức về điều kiện môi trường và các mức độ sử dụng khác nhau.

Lời kết

Đánh giá đặc tính kỹ thuật dựa vào hai tiêu chí trên chỉ là một trong các bước đơn giản của quá trình lựa chọn thiết bị switch phù hợp, đặc biệt là switch PoE. Để có được quyết định đúng đắn, người dùng cần tiến hành kiểm tra toàn diện nhằm đảm bảo những sản phẩm mạng được thiết kế với đặc tính kỹ thuật cao. Người dùng có thể hợp tác với các nhà sản xuất nổi tiếng trong lĩnh vực switch PoE như Cisco, HP… để được đảm bảo về chất lượng sản phẩm và yên tâm về khả năng thành công của hệ thống giám sát an ninh IP.
Trần Ngọc Thanh
Theo asmag.com

10GBase-T và CAT.6A Giải pháp không chỉ giành cho trung tâm dữ liệu

10GBase-T và CAT.6A Giải pháp không chỉ giành cho trung tâm dữ liệu

Để phù hợp với tiêu chuẩn 10GBASE-T hỗ trợ tốc độ mạng 10 Gbps do IEEE 802.3ae phê chuẩn năm 2002, Hiệp hội Công nghiệp Viễn thông (TIA) cũng đưa ra tiêu chuẩn ANSI/TIA-568-C xác nhận cáp Cat. 6A hỗ trợ tốc độ 10GBASE-T trong năm 2008. Tuy đã ra đời khá lâu, nhưng việc ứng dụng tiêu chuẩn này vẫn còn hạn chế, chỉ dùng cáp Cat. 6A cho các kết nối cáp đồng từ server đến switch trong môi trường trung tâm dữ liệu.
Dù cáp Cat. 6 tốc độ 1 Gbps vẫn đáp ứng được nhiều ứng dụng trong mạng LAN, nhưng yêu cầu về băng thông và sự bùng nổ của công nghệ gần đây đã khiến 10GBASE-T trở thành lựa chọn tối ưu và hiệu quả hơn cho các hệ thống mạng bên ngoài trung tâm dữ liệu.
Với tầm nhìn xa vào tương lai và nhu cầu tiết giảm tổng chi phí hoạt động (TCO), các doanh nghiệp ngày nay sẽ không còn bị hạn chế bởi kết nối cáp Cat. 6A chỉ dùng cho môi trường trung tâm dữ liệu nữa. Điều này cho thấy rằng đây sẽ là thời điểm cáp đồng 10G trở nên phổ biến cho các kết nối cáp ngang trong môi trường mạng LAN.

Nhu cầu về tốc độ

Theo ước lượng của các nghiên cứu, nhu cầu truyền dẫn từ trung tâm dữ liệu đến người dùng chỉ chiếm 17% lưu lượng dữ liệu trong môi trường mạng LAN hiện nay, nhưng người dùng vẫn còn những nhu cầu thực tế khác không thể bỏ qua. Mỗi phút, có hơn 2 triệu lượt tìm kiếm trên Google, hơn 200 triệu email được gửi và hơn 20 triệu ảnh được xem. Nhu cầu cập nhật dữ liệu liên tục của người dùng luôn luôn rất cao trong mọi lĩnh vực từ tài chính đến y tế và giải trí–nhu cầu tốc độ cao để thực hiện các giao dịch tài chính, đến việc bác sĩ có thể xem hình ảnh chẩn đoán nhanh như thế nào, hoặc mất bao lâu để xem được một video trên YouTube... tất cả đều liên quan đến tốc độ truyền tải. Thực tế, Cisco đã dự báo lưu lượng dữ liệu sẽ tăng 22% vào năm 2016, trong đó nhu cầu hội nghị truyền hình dự kiến sẽ tăng gấp 6 lần.
Với lượng lớn dữ liệu cần được truy cập, xử lý, truyền đi và lưu trữ, IEEE đã đưa ra chuẩn 802.3ba cho các kết nối tốc độ 40 và 100 Gbps trong năm 2010. Nhiều trung tâm dữ liệu hiện nay đang được thiết kế với đường cáp trục sợi quang nhằm đáp ứng tốc độ 40 Gbps, đồng thời sẵn sàng cho môi trường điện toán tốc độ 100 Gbps. TIA cũng đang phát triển chuẩn cáp Cat. 8 dành cho các kết nối cáp đồng 40 Gbps từ server đến switch trong trung tâm dữ liệu với khoảng cách ngắn hơn 30 m.
Hình minh họa : Bảng so sánh chi tiết trên mỗi cỗng 1GB/s và 10GB/s
Để giảm thiểu nguy cơ thắt cổ chai gây ảnh hưởng đến hệ thống mạng, giải pháp thiết thực nhất trong thiết kế hạ tầng mạng LAN là tính toán sao cho tốc độ mạng ở các đường cáp trục và các kết nối trong trung tâm dữ liệu (các kết nối switch đến switch, switch đến thiết bị mạng) phải cao hơn khoảng 10 lần so với tốc độ của các kết nối ngang và LAN (các kết nối từ switch đến máy trạm). Hiện nay, nhiều doanh nghiệp đang sẵn sàng triển khai 40 và 100 Gbps cho các đường cáp trục và trung tâm dữ liệu. Điều này sẽ thúc đẩy nhu cầu tốc độ cao và tương lai của mạng LAN với 10GBASE-T thông qua cáp Cat. 6A để kết nối đến các máy trạm– một tiêu chuẩn dành cho thị trường cáp trục đã sẵn sàng được áp dụng.
Trong thị trường tài chính hiện nay, thời gian là tiền bạc, thành công của các tổ chức tài chính chủ yếu dựa vào tốc độ thực hiện các giao dịch nhanh ra sao. Với sự phát triển của thương mại điện tử, những người quản lý cần truy cập ngay lập tức các thông tin tài chính theo thời gian thực để có thể đưa ra quyết định nhanh chóng và chính xác. Các nhân viên kinh doanh cũng cần truy cập nhanh để phân tích và lưu trữ lượng lớn các dữ liệu tài chính quan trọng. Các giao dịch tài chính cần được thực hiện theo thời gian thực để tránh rủi ro và đáp ứng kịp thời nhu cầu của khách hàng, đồng thời vẫn cho phép nhân viên tiến hành các giao dịch khác một cách nhanh chóng. Những nhu cầu bức thiết này thực sự cần được tiến hành ở tốc độ 10 Gbps trên mạng LAN nhằm đảm bảo thành công cho các tổ chức tài chính.
Các bệnh viện và trung tâm y tế cũng đang áp dụng kết nối cáp Cat. 6A như một tiêu chuẩn cho các kết nối cáp ngang trong cơ sở hạ tầng mạng bên ngoài trung tâm dữ liệu. Những năm gần đây, các tổ chức y tế phải chịu áp lực ngày càng lớn trong việc tăng hiệu quả và giảm chi phí khi chuyển sang áp dụng thông tin y tế điện tử và cải thiện việc chăm sóc bệnh nhân. Thay cho việc vẽ phát đồ điều trị bằng tay và những phim X-ray truyền thống, hồ sơ bệnh nhân sẽ được lưu lại và truy cập bằng thiết bị điện tử, những tập tin hình ảnh chẩn đoán từ các máy CT và MRI sẽ được truyền tải nhanh chóng đến các vị trí truy cập ở xa.
Trong năm 2009, chính phủ Mỹ đã thông qua Luật về công nghệ thông tin trong lĩnh vực y tế (HITECH Act), khuyến khích sử dụng các thông tin y tế điện tử với mục tiêu phải có hồ sơ y tế điện tử đầy đủ vào năm 2014. Điều này đã khiến việc áp dụng các hồ sơ y tế điện tử trở thành ưu tiên số một của các bệnh viện và cơ sở y tế, trong đó có việc kêu gọi sử dụng tốc độ băng thông cao hơn cho các kết nối mạng bên ngoài trung tâm dữ liệu. Với tốc độ 10GBASE-T trong mạng LAN, các hình ảnh chẩn đoán quan trọng có thể được xem trong vài giây thay vì vài phút.
Từ các hệ thống điều khiển cho đến các robot phẫu thuật đều dựa trên một cơ sở hạ tầng kết nối cáp đáng tin cậy với tốc độ cao để lấy và gửi thông tin nhanh nhất có thể. Đồng thời, các bệnh viện và cơ sở y tế cũng cố gắng cải thiện hiệu quả hoạt động và hiệu quả chi phí bằng cách triển khai nhiều hệ thống qua mạng hơn, bao gồm giám sát bệnh nhân, gọi y tá, an ninh, giải trí cho bệnh nhân và các hệ thống tự động hóa của tòa nhà. Nhiều thiết bị đầu cuối hiện nay còn hỗ trợ cấp nguồn qua Ethernet (PoE), có khả năng cung cấp nguồn lên đến 60 W trên cáp đồng đôi xoắn. Các kết nối cáp Cat. 6A đã được chứng minh có khả năng chịu nhiệt tốt hơn cho các ứng dụng cần cấp nguồn. Để đáp ứng xu hướng này, tiêu chuẩn ANSI/TIA-1179 (Tiêu chuẩn hạ tầng viễn thông cho lĩnh vực y tế) đã được ban hành năm 2010 với những quy định cụ thể về kết nối cáp Cat. 6A nhằm hỗ trợ 10 Gbps cho tất cả các lắp đặt mạng mới trong lĩnh vực y tế.

Đầu tư cho tương lai

Ngoài việc nâng cao tốc độ trung tâm dữ liệu, các doanh nghiệp hiện tại đang cố gắng giảm TCO và đảm bảo tính bền vững bằng cách giữ cho cơ sở hạ tầng kết nối cáp mạng được sử dụng lâu hơn. Các đơn vị có tầm nhìn tập trung nhiều vào chi phí vận hành (OPEX) hơn là chi phí đầu tư (CAPEX), họ nhận ra rằng dù chi phí đầu tư ban đầu có cao hơn, nhưng lại cho phép công nghệ của họ được sử dụng lâu hơn. Đó là sự lựa chọn thông minh. Với bất kỳ doanh nghiệp nào dự định đặt trụ sở lâu dài tại một vị trí cố định trong 5 đến 10 năm tới, hoặc các trường đại học và bệnh viện, việc triển khai các kết nối cáp Cat. 6A trong mạng LAN ở hiện tại sẽ giúp tiết kiệm chi phí cho tương lai, khi hệ thống mạng hỗ trợ các ứng dụng 10GBASE-T đến máy trạm. Thực tế, chi phí cho việc triển khai một hệ thống mạng sử dụng cáp Cat. 6A so với Cat. 6 đã giảm đáng kể, điều này giúp giải thích vì sao doanh nghiệp nên đầu tư chi phí cao hơn để tăng thời gian sử dụng hệ thống mạng thêm 5 đến 10 năm nữa.

Thông thường, việc kết nối cáp mạng chỉ chiếm 5–10% tổng chi phí đầu tư dành cho một hệ thống mạng LAN, nhưng đó lại là tài sản có giá trị và gây tốn kém nhất nếu phải thay thế. Đây là điều cần quan tâm đặc biệt trong các bệnh viện và cơ sở y tế, vì việc thay thế các kết nối cáp ngang đòi hỏi phải đáp ứng được những thủ tục và qui trình kiểm soát lây nhiễm tốn kém trước khi đưa chúng lên không gian trên trần nhà để đến các phòng bệnh nhân. Với khả năng hỗ trợ các ứng dụng trong một thời gian dài của mạng LAN, việc triển khai các kết nối cáp Cat. 6A ở hiện tại sẽ giúp tránh được việc phải thay thế cáp trong tương lai.
Hệ thống kết nối cáp còn là nền tảng của hệ thống mạng, vì tất cả dữ liệu đều được truyền tải trên đó. Không giống các thiết bị chủ động sẽ được nâng cấp trong mỗi 3 đến 5 năm, cơ sở hạ tầng kết nối cáp phải được thiết kế để sử dụng lâu dài, ít nhất từ 10 đến 15 năm nhằm đáp ứng nhu cầu hiện tại và tương lai. Khi đề cập các kết nối cáp đồng bên ngoài các trung tâm dữ liệu, chỉ có kết nối cáp Cat. 6A được dự kiến sử dụng trong thời gian lâu nhất. Ngoài ra, các kết nối cáp Cat. 6A theo tiêu chuẩn còn có khả năng tương thích ngược. Ngay cả khi 10GBASE-T không phải là nhu cầu hiện tại dành cho mạng LAN, thì cáp Cat. 6A vẫn sẽ hỗ trợ tất cả các ứng dụng trước đây và hiện tại.

Công nghệ mang lại hiệu quả chi phí

Trong nhiều trường hợp, chi phí không còn là lý do chính đáng để không triển khai 10GBASE-T và kết nối cáp Cat. 6A trong mạng LAN. Với các thiết bị trong trung tâm dữ liệu 40 Gbps có sẵn hiện nay và các thiết bị 10Gbps đã triển khai, những thành phần vật lý của 10GBASE-T đã có những cải tiến đáng kể so với thế hệ đầu tiên trong năm 2006 và 2007. Hiện nay, nhiều nhà cung cấp thiết bị switch đề xuất sử dụng switch 10GBASE-T cho mạng LAN, và thiết kế cổng mạng LAN 10GBASE-T trên bo mạch chủ (LOM). Sự cạnh tranh trên thị trường kết hợp với những tiến bộ công nghệ đã giúp giảm đáng kể chi phí thiết bị. Giao diện mạng 10GBASE-T đang trở thành tiêu chuẩn cho các máy tính để bàn cao cấp, tiếp tục chứng minh sự cần thiết nên áp dụng các kết nối cáp Cat. 6A.
Độ trễ và điện năng tiêu thụ của các thành phần vật lý trong thiết bị 10GBASE-T và máy chủ cũng được cải thiện đáng kể. So với ban đầu, mức tiêu thụ điện năng của 10GBASE-T đã giảm gần 80%, và vẫn đang tiếp tục giảm. Ở khoảng cách 100 m, thiết bị 10GBASE-T hiện nay thường tiêu thụ ít hơn 3 W trên mỗi cổng. Còn ở khoảng cách ngắn tầm 30 m, mức tiêu thụ điện năng sẽ giảm gần 60%. Thiết bị 10GBASE-T tiết kiệm điện năng thế hệ mới dự kiến sẽ tiêu thụ chỉ 1 W trên mỗi cổng. Độ trễ cũng không còn là mối bận tâm đối với thiết bị 10GBASE-T hiện tại, khi thời gian trễ chỉ khoảng 2 micro giây hoặc ít hơn. Khi xem xét băng thông hỗ trợ bởi 10GBASE-T, hầu hết các ứng dụng của doanh nghiệp đều không bị ảnh hưởng bởi khoảng thời gian trễ này.
Dù một số ứng dụng có thể chỉ cần 1000 Mbps (1000BASE-T), những tiến bộ kỹ thuật trong các thành phần vật lý của 10GBASE-T từ năm 2009 đã thực sự giúp giảm chi phí mỗi cổng của 10GBASE-T xuống thấp hơn một nửa so với 1000BASE-T như trong hình minh họa ở trên.

Kết luận

Khi công nghệ ghép nối song song tiếp tục phát triển, doanh nghiệp không còn phải bận tâm đến các rào cản về chi phí và việc triển khai 10GBASE-T cũng như kết nối cáp Cat. 6A. Thực tế, một số nhà sản xuất cáp đã phát triển một loại cáp Cat. 6A UTP hiệu suất cao có cùng kích thước (đường kính ngoài) với cáp Cat. 6. Với nhu cầu về tốc độ cao của mạng LAN ngày càng tăng trong tương lai, và những thay đổi theo xu hướng mạng IP hội tụ cùng các ứng dụng tiên tiến, kết nối cáp Cat. 6A chính là sự lựa chọn kinh tế cho các máy tính để bàn. Khi giải pháp lắp đặt sợi quang đến các bàn làm việc vẫn được tranh luận như là lựa chọn cuối cùng trong tương lai, các thiết bị đầu cuối đang được sử dụng hiện nay vẫn sẽ tiếp tục yêu cầu sử dụng kết nối cáp đồng. Từ máy tính xách tay, máy tính để bàn và các điện thoại IP (VoIP), đến các hiển thị video, camera an ninh và các thiết bị tự động của tòa nhà, chưa có nhà sản xuất thiết bị nào thực thi các giao diện kết nối bằng sợi quang cho thiết bị của họ. Thay vào đó, họ tập trung phát triển các hệ thống và thiết bị có hiệu suất cao. Hơn nữa, cáp Cat. 6A với đặc điểm của công nghệ kết nối cáp đồng đôi xoắn đã được những người thi công lắp đặt nắm rất rõ và triển khai cho nhiều doanh nghiệp trong hơn 25 năm qua.
Chỉ ba thập niên trước, 10 Mbps được xem là tốc độ quá đủ cho bất kỳ người dùng hoặc thiết bị nào. Nhưng đến giữa những năm 90, 100 Mbps trở thành chuẩn mực, và vào đầu năm 2000, tốc độ này nhanh chóng bị thay thế bởi gigabit được dùng rộng rãi trong mạng LAN. Các thiết bị hỗ trợ 10 Gbps đã có mặt trong gần một thập niên qua, và lượng thiết bị mạng hỗ trợ tốc độ này cũng ngày một nhiều. Khi xem xét sự tiến hóa này, cùng với nhu cầu hỗ trợ các ứng dụng trong tương lai, các tiêu chuẩn công nghiệp mới nhất và sự tiến bộ của công nghệ mang đến hiệu quả chi phí gần đây, chỉ có 10GBASE-T và kết nối cáp Cat. 6A mới đáp ứng được nhu cầu hiện tại và tương lai cho các kết nối mạng bên ngoài trung tâm dữ liệu.
Đông Minh
Theo BICSI

Các loại đầu nối cáp quang

Các loại đầu nối cáp quang

Với quá trình phát triển trên 40 năm của ngành công nghiệp cáp quang, nhiều cá nhân và doanh nghiệp đã có những phát minh, sáng tạo nổi bật giúp tăng hiệu quả kết nối cáp quang như: suy hao thấp hơn, chi phí thấp hơn, tạo kết nối dễ dàng hơn. Và tính đến thời điểm hiện tại, đã có hơn 100 loại đầu nối cáp quang có mặt trên thị trường, nhưng chỉ có một vài loại trong số đó được sử dụng rộng rãi. Trong đó 5 loại đầu nối thông dụng nhất là: ST, SC, LC, FC và MT-RJ.
1. Cấu tạo chung
Mỗi loại đầu nối cáp quang được cấu tạo từ nhiều thành phần với tên gọi khác nhau, nhưng tựu chung vẫn gồm 3 thành phần chính: ống nối – ferrule, thân đầu nối – connector body, khớp nối – coupling mechanism.
- Ống Nối – Ferrule: Là một cấu trúc dạng rỗng (thường là dạng trụ), được làm từ sứ, kim loại hoặc nhựa chất lượng cao. Chức năng dùng để giữ chặt sợi quang.

- Thân Đầu Nối – Connector Body: Một cấu trúc làm từ nhựa hoặc kim loại chứa ống nối, cố định với lớp vỏ ngoài bảo vệ (jacket) và lớp chịu lực (strength members).

- Khớp nối – Coupling Mechanism: Là một phần của thân đầu nối, có nhiệm vụ cố định đầu nối khi thực hiện kết nối đến các thiết bị khác.

2. Các loại đầu nối quang
a. Đầu nối ST
Được phát triển bởi AT&T, đầu nối ST là một trong các loại đầu nối đầu tiên được sử dụng rộng rãi trong hệ thống cáp quang. Đầu nối ST sử dụng một ống nối có đường kính 2,5 mm, với thân đầu nối làm từ nhựa hoặc kim loại (thường là kim loại), được cố định thông qua khớp nối dạng vặn (Twist–on/Twist–off), nên khi thực hiện kết nối cần chắc chắn rằng đầu nối đã được đưa vào đúng khớp.
b. Đầu nối SC
Đầu nối SC cũng sử dụng một ống nối có đường kính 2,5 mm, dùng để cố định sợi quang. Nhưng khác với đầu nối ST, SC sử dụng cơ chế cắm/rút giúp người dùng thao tác dễ dàng hơn so với cơ chế vặn xoắn của đầu nối ST, nhất là trong không gian hẹp.
Ban đầu SC không được sử dụng nhiều vì giá thành cao gấp 2 lần so với đầu nối ST, nhưng theo thời gian, hiện tại chi phí cho một đầu nối SC đã giảm đáng kể và phổ biến hơn đến người dùng.
c. Đầu nối LC
Được phát triển bởi Lucient Technologies, LC là một đầu nối dạng nhỏ, sử dụng ống nối với đường kính chỉ 1,25 mm, phần thân đầu nối LC tương tự đầu nối SC, nhưng kích thước chỉ bằng một nửa so với đầu nối SC. Sử dụng cơ chế “tai giữ cố định” tương tự như đầu nối RJ45 sử dụng trong hệ thống cáp đồng đôi xoắn.
Đầu nối LC thường được ứng dụng trong module quang SFP hoặc kết nối quang mật độ cao.
d. Đầu nối FC
Đầu nối FC sử dụng ống nối dài 2,5 mm, được thiết kế đặc biệt với thân là dạng ren, thích hợp trong môi trường có độ rung cao. Thường được ứng dụng cho ngành viễn thông, nhưng hiện tại đã dần bị thay thế bởi đầu nối SC và LC.
e. Đầu nối MT-RJ
Được phát triển bởi AMP/Tyco và Corning, MT-RJ là đầu nối song công với hai sợi quang sử dụng chung một ống nối làm bằng polyme. Cơ chế khớp nối được thiết kế tương tự như đầu nối RJ45 cho cáp đồng đôi xoắn, MT-RJ có hai dạng là đầu đực và đầu cái.
3. Bảng tóm tắt năm loại đầu nối cáp quang
Đầu Nối
Kiểu Kết Nối
Bán Kính Ống Nối
Cáp Quang
Tiêu Chuẩn
ST
Vặn khớp
2.5 mm
Đơn mốt/Đa mốt
TIA/EIA-604-2
SC
Cắm – Rút
2.5 mm
Đơn mốt/Đa mốt
TIA/EIA-604-3
LC
Cắm – Rút kiểu RJ45
1.25 mm
Đơn mốt/Đa mốt
TIA/EIA-604-10
FC
Vặn xoắn
2.5 mm
Đơn mốt/Đa mốt
TIA/EIA-604-4
MT-RJ
Cắm – Rút kiểu RJ45
2.45×4.4 mm
Đơn mốt/Đa mốt
TIA/EIA-604-12

Thứ Ba, 24 tháng 11, 2015

Tầm quan trọng của chứng nhận UL

Tầm quan trọng của chứng nhận UL

Chúng ta thường thấy logo “UL” được in trên rất nhiều vật dụng, thiết bị trong nhà hay tại nơi làm việc. Nhưng ngoài cái cảm giác hơi mơ hồ tin tưởng vào thứ bạn mua có in một logo nhỏ, tròn, thì bạn có biết chứng nhận UL có ý nghĩa thực sự như thế nào? Và làm thế nào để đánh giá, phân biệt đâu là một nhãn UL thật?
Lịch sử phát triển của UL
UL (Underwriters Laboratories) là một công ty tư vấn và cấp chứng nhận, có trụ sở tại Northbrook, Illinois, Hoa Kỳ. UL cung cấp các chứng nhận đảm bảo an toàn, xác nhận, kiểm thử, thanh tra, kiểm toán, tư vấn, đào tạo cho nhiều loại khách hàng, bao gồm các nhà sản xuất, nhà bán lẻ, hoạch định chính sách, nhà quản lý, các công ty dịch vụ và người tiêu dùng.
Được thành lập bởi William Henry Merrill vào năm 1894, UL có tên gọi là Underwriters Electrical Bureau. Đến nay, UL đã có 64 phòng thí nghiệm, có văn phòng tại 46 quốc gia và cung cấp chứng nhận cho 104 nước trên toàn thế giới.
Vì sao danh mục UL có ý nghĩa quan trọng?
UL là một bên thứ ba, hoạt động đánh giá của họ được tiến hành không vì lợi ích của tổ chức, cũng không vì lợi ích tài chính đối với sản phẩm. Do đó, người tiêu dùng có thể tin tưởng con dấu do UL phê duyệt là hoàn toàn khách quan, không chịu bất kỳ tác động nào từ phía nhà sản xuất, và là danh mục thật sự uy tín.
Để đảm bảo các sản phẩm được phê duyệt luôn đạt chuẩn an toàn, UL liên tục thử nghiệm các sản phẩm đó sau khi đã liệt kê chúng vào danh mục an toàn. Theo thời gian, các nhà sản xuất có sản phẩm liệt kê trong danh mục sẽ được UL tiến hành kiểm tra và đánh giá lại mà không thông báo trước. Nếu một sản phẩm nào đó không duy trì được các tiêu chuẩn an toàn của UL, sẽ bị loại ra khỏi danh mục.
Chứng nhận UL trên thùng cáp AMP
Phòng tránh chứng nhận UL giả
Hơn 100 năm hình thành và phát triển, UL là luôn đi đầu trong lĩnh vực chứng nhận an toàn sản phẩm, hướng dẫn người tiêu dùng sử dụng các sản phẩm có uy tín đã được kiểm tra chặt chẽ và chứng nhận an toàn sử dụng. Ngày nay, việc có hoặc không có nhãn UL trên sản phẩm đủ để chứng nhận hoặc phá vỡ niềm tin của hàng triệu người mua hàng trên thế giới.
Tuy nhiên, chính vì giá trị do uy tín của UL mang lại, UL cũng trở thành mục tiêu của hàng giả. Dù tỉ lệ làm giả nhãn UL rất ít, nhưng người tiêu dùng nên tự bảo vệ mình bằng cách cảnh giác với các sản phẩm giả:
  • Không nên mua sắm những sản phẩm thiếu các thông tin quan trọng như tên sản phẩm, thương hiệu hoặc nhãn hiệu chứng nhận; hoặc sản phẩm có bao bì và được đánh nhãn UL nhưng không có nhãn hiệu tên công ty, tên thương mại, hoặc chỉ định ủy quyền của UL. Bạn không cần suy nghĩ, hãy bỏ qua chúng.
  • Thay vì để bị cuốn hút bởi các sản phẩm điện tử chợ trời, hàng bán rong hoặc những nguồn hàng tạm thời khác mà không rõ xuất xứ, không xác định được độ tin cậy, bạn nên mua hàng tại các cơ sở có uy tín.
  • Cảnh giác với các sản phẩm có giá quá rẻ so với giá chung trên thị trường. Các sản phẩm giá quá thấp thường do vật liệu sản xuất rẻ tiền, không đảm bảo an toàn.
Cách nhận biết nhãn UL thật
Dù được dán hay đóng dấu cố định vào sản phẩm, nhãn UL hợp pháp cần hội đủ 4 yếu tố thiết kế sau:
  • Nhãn UL: Chữ cái “UL” sắp xếp theo đường chéo (thấp dần từ trái sang phải) trong một vòng tròn với một biểu tượng ® ngay phía dưới chữ U.
  • Từ “LISTED” được in phía dưới hoặc bên cạnh vòng tròn. Tất cả ký tự được viết hoa.
  • Số kí tự được kiểm soát là 4 và một số trường hợp đặc biệt là 6 kí tự.
  • Một cụm từ nhận dạng sản phẩm, mô tả chính xác sản phẩm đó là gì.
Mẫu UL chuẩn
Một số bổ sung thường có trong nhãn UL:
  • Một số tập tin UL (thường sẽ có chữ "E" như một tiền tố)
  • Tên công ty nhà sản xuất hoặc logo
  • Mức điện áp dụng
  • Thông tin chỉ định của sản phẩm catalog, model, loại thiết kế
Kết luận
Trong lĩnh vực hạ tầng CNTT, dù bạn mua sắm bất cứ thiết bị gì, từ modular plug, face plate, UPS cho đến KVM switch, server, hãy kiểm tra kỹ xem các sản phẩm đó có nằm trong danh sách của UL không. Dựa vào dấu hiệu chứng nhận bởi UL đồng nghĩa bạn đã đặt sự an toàn mỗi sản phẩm sử dụng lên hàng đầu.
Nguyễn Bá HưngNguồn: cableorganizer.com

10 cách xử lý nhanh camera IP bị lỗi

10 cách xử lý nhanh camera IP bị lỗi

Khi lĩnh vực giám sát IP phát triển, các sản phẩm camera được thiết kế cho phép ngày càng dễ cấu hình hơn, nhưng vẫn chưa đơn giản đến mức chỉ cần "cắm và chạy". Dù mọi thứ gần như đã được thiết lập chính xác, nhưng để đảm bảo hệ thống camera hoạt động một cách hiệu quả, vẫn cần một số hỗ trợ từ phía người dùng, đặc biệt khi camera IP gặp sự cố. Trên thực tế, việc xử lý lỗi camera IP không hề đơn giản và có thể phát sinh nhiều phiền phức. Người dùng nên trang bị một số kiến thức bỏ túi cơ bản để có thể xử lý những sự cố này. Dưới đây là 10 cách xử lý sự cố thường gặp trong camera IP.
1. Khởi động lại camera: Khi xử lý sự cố IT, một trong những “Quy tắc vàng” đầu tiên là tiến hành khởi động lại thiết bị trước khi tiếp tục công việc. Khởi động lại camera là thao tác đơn giản giúp xóa hết bộ nhớ cache, cho phép hiệu chuẩn lại các thiết lập và các kết nối. Chỉ cần gỡ bỏ nguồn camera, chờ khoảng 10 đến 15 giây, sau đó cắm lại nguồn, camera sẽ hoạt động lại bình thường. Đây là bước xử lý đơn giản nhất và ít tốn kém nhất.
Sử dụng lệnh ping để xác định camera
2. Sử dụng lệnh ping để xác định camera: Gõ "cmd" vào ô tìm kiếm của Windows để mở một dấu nhắc lệnh DOS, sau đó sử dụng các lệnh "ping" để kiểm tra xem có thể kết nối với camera hay không. Ví dụ, nếu địa chỉ camera là 192.168.2.150, gõ câu lệnh "ping 192.168.2.150 –t" tại dấu nhắc lệnh, nếu nhận được phản hồi "Destination Host Unreachable" hoặc "Request time out", nghĩa là không thể kết nối tới camera thông qua hệ thống mạng hiện tại. Có nhiều lý do dẫn đến lỗi này, cơ bản nhất là do các camera và máy tính không cùng lớp mạng, hoặc camera bị mất kết nối. Ngược lại, nếu nhận được phản hồi có kết nối, hãy sử dụng trình duyệt web hoặc công cụ dò tìm camera được cung cấp miễn phí bởi các nhà sản xuất để kết nối tới camera.
3. Kiểm tra bảng ARP để tham khảo chéo địa chỉ MAC và IP
3. Kiểm tra bảng ARP để tham khảo chéo địa chỉ MAC và IP: Biết địa chỉ MAC là một đầu mối quan trọng để phát hiện ra địa chỉ IP của camera. Các thông số này thường được in mặc định trên camera hoặc vỏ hộp. Người dùng nên lưu giữ một bản ghi các địa chỉ MAC và IP của camera đã cài đặt, thao tác này rất hữu ích cho việc xử lý sự cố về sau. Tương tự như ping trong cách 2, có thể sử dụng lệnh ARP để hiển thị địa chỉ IP và MAC của thiết bị kết nối vào mạng. Chỉ cần gõ "arp -a" tại dấu nhắc lệnh, người dùng có thể tìm địa chỉ IP của camera thông qua địa chỉ MAC và ngược lại.
4. Xác nhận địa chỉ IP không xung đột: Trong một hệ thống mạng, hai thiết bị IT khác nhau có thể nhận cùng một địa chỉ IP. Điều này có thể dẫn đến một trong hai thiết bị không truy cập được vào mạng. Ngoài ra, việc cấu hình địa chỉ IP, gateway hoặc subnet bằng tay cho camera cũng có thể là nguyên nhân gây ra lỗi trùng IP. Lệnh ARP được liệt kê trong cách 3 có thể hỗ trợ xử lý lỗi này bằng cách nhận ra địa chỉ IP.
5. Vô hiệu hóa phần mềm chống virus hoặc tường lửa: Trong một số trường hợp, phần mềm chống virus cài đặt trong máy tính có thể xung đột với việc truyền hình ảnh của camera, hoặc một thiết lập tường lửa có thể chặn hoàn toàn khả năng kết nối đến camera. Vô hiệu hóa phần mềm chống virus hoặc nới lỏng mức độ bảo vệ của tường lửa là biện pháp giúp xử lý sự cố này. Nếu kết nối đến camera thành công sau khi thực hiện các bước trên, nên cấu hình lại phần mềm chống virus hoặc tường lửa cho phép hệ thống camera hoạt động. Tuy nhiên, đây không phải là một giải pháp lâu dài vì có thể ảnh hưởng đến độ bảo mật và an toàn của hệ thống mạng.
Vô hiệu hóa phần mềm chống virus hoặc tường lửa
switch cấm
6. Kiểm tra kết nối với nguồn điện camera: Nếu có thể, hãy nhìn vào camera để đảm bảo thiết bị đã được cắm nguồn điện. Hầu hết các camera đều có đèn LED hiển thị trạng thái nguồn điện cũng như đèn hiển thị kết nối và truyền dữ liệu mạng tại cổng RJ45. Đôi khi, đèn LED có thể nằm bên trong vỏ bảo vệ camera. Nếu camera chỉ hỗ trợ nguồn điện rời (không PoE), hãy kiểm tra lại ổ cắm nguồn điện nếu không thấy có ánh sáng đèn LED.
Nếu đó là camera PoE và không hỗ trợ nguồn điện rời, hãy kiểm tra xem camera đã được cắm vào switch PoE hoặc thiết bị midspan chưa. Tiếp theo, kiểm tra xem các camera có nhận được công suất PoE phù hợp không. Riêng các camera ngoài trời có tích hợp thiết bị tản nhiệt/quạt gió và camera PTZ đòi hỏi công suất PoE cao hơn, thường là High-PoE hoặc PoE+ 30 - 60 W,cao hơn hầu hết các
switch PoE tiêu chuẩn (trung bình 15 W mỗi cổng), sẽ cần đến các thiết bị midspan có khả năng cung cấp lượng điện năng với số W khác nhau. Trong một vài trường hợp, một camera đòi hỏi công suất >15W, nhưng khi kết nối vào switch PoE 15W vẫn sẽ khởi động. Tuy nhiên, camera sẽ không truyền tải hình ảnh hoặc phản hồi các lệnh PTZ về người dùng. Còn một vấn đề về nguồn điện mà người dùng thường không nghĩ đến là do chính switch PoE. Một số switch PoE quá tải và không đủ nguồn để cung cấp 15 W cho mỗi cổng, khi đó, nó sẽ không cung cấp điện cho các camera khác. Để khắc phục sự cố này, cần xem xét việc sử dụng thêm các thiết bị PoE injector hoặc midspan cho camera.
7. Kiểm tra cáp: Nếu một trong hai đèn hiển thị trạng thái kết nối trên cổng RJ45 của camera không nhấp nháy, nên cân nhắc đến khả năng lỗi do cáp. Đây là lỗi có tần suất xuất hiện cao trong hệ thống cáp, và biện pháp kiểm tra đường truyền cáp trên thực tế có ý nghĩa rất quan trọng cho việc xử lý sự cố CNTT. Hãy dùng các thiết bị đo kiểm để kiểm tra việc bấm đầu cáp, xoắn cáp hoặc đứt cáp... để đánh giá chính xác tình trạng của cáp.
8. Nhận biết mật khẩu: Nếu người dùng thực hiện thành công lệnh ping camera nhưng không thể kết nối camera với VMS, trình duyệt web hoặc công cụ dò tìm, hãy xem xét đến khả năng mật khẩu đăng nhập không chính xác. Mỗi nhà sản xuất camera đều có mật khẩu mặc định cung cấp cho khách hàng khi mua camera. Nếu mật khẩu mặc định không phù hợp, có thể ai đó đã thay đổi chúng. Người dùng cần cố gắng tìm lại mật khẩu để khôi phục kết nối từ camera và VMS.
9. Đừng cố làm anh hùng, hãy đề nghị được giúp đỡ: Nếu đã thử các bước trên nhưng vẫn không thể kết nối camera, hãy truy cập trang web của nhà sản xuất camera để có những tài liệu hướng dẫn xử lý sự cố cụ thể. Nếu sau đó vẫn không xử lý được, hãy liên lạc trực tiếp với nhân viên kỹ thuật của nhà sản xuất. Họ biết những "thủ thuật" xử lý phần cứng thiết bị và có thể kết nối từ xa đến máy tính của người dùng thông qua internet để chẩn đoán. Đừng ngại yêu cầu giúp đỡ. Kỹ thuật viên của nhà sản xuất có rất nhiều kinh nghiệm xử lý các sự cố tương tự, họ có thể khắc phục lỗi chỉ trong vài phút. Đồng thời, các kỹ thuật viên này cũng có thể tiến hành quá trình RMA để thu hồi camera nếu nó bị lỗi và cần được sửa chữa hoặc thay thế khi sản phẩm vẫn trong thời hạn bảo hành.
10. Thiết lập lại cấu hình camera về mặc định: Người dùng nên cân nhắc trước khi quyết định thực hiện biện pháp này. Không giống như cách 1 (khởi động lại camera), việc thiết lập lại mặc định sẽ xóa tất cả các thiết lập & cấu hình trước đó, đồng thời trả thiết bị về cấu hình mặc định ban đầu. Khi đó, tất cả các thiết lập của người dùng sẽ bị mất và có thể ảnh hưởng đến việc xử lý sự cố sau này. Đôi khi, lỗi xảy ra có thể là do hệ điều hành camera bị hỏng, hoặc lỗi trong lúc cấu hình. Hãy tìm cách xử lý sự cố thông qua 10 cách cơ bản trên hoặc đề nghị hỗ trợ kỹ thuật từ hãng trước khi cố gắng thực hiện cách này. Trên đây là 10 cách đơn giản và phổ biến cho phép người dùng xử lý camera IP bị lỗi. Vẫn còn nhiều cách khác mà người dùng có thể áp dụng để giải quyết các sự cố liên quan đến camera IP, điều quan trọng là giúp hệ thống nhanh chóng phục hồi và hoạt động ổn định.
Trần Ngọc Thanh
Theo IPVM

Xu hướng mới trong lĩnh vực chứng nhận hệ thống cáp kết nối

Xu hướng mới trong lĩnh vực chứng nhận hệ thống cáp kết nối

Những thảo luận về công nghệ thông tin (CNTT) hiện nay thường đề cập đến các thuật ngữ: điện toán đám mây, ảo hóa, lưu trữ mạng, phần mềm như một dịch vụ (Saas), SLA... nhưng hiếm khi nhắc đến lớp vật lý. Tuy nhiên, chúng ta biết rằng tất cả công nghệ mạng đều phải dựa trên nền tảng lớp vật lý và cơ sở hạ tầng kết nối cáp để hỗ trợ cho nó. Tương tự các công nghệ khác, lớp vật lý trong mô hình 7 lớp của OSI đang dần thay đổi. Việc xử lý chứng nhận và lắp đặt ngày càng phức tạp khiến các nhà tư vấn và chủ sở hữu hệ thống mạng không thể bao quát hết được những thay đổi này, họ sẽ đấu tranh vì lợi nhuận và sự sống còn của doanh nghiệp.
Bài viết này trình bày tình hình chung về lĩnh vực kết nối cáp hiện nay, đánh giá các yếu tố sẽ mang lại thành công cho các nhà thầu thi công lắp đặt kết nối cáp khi phải đối mặt với nhu cầu ngày càng tăng về khả năng quản lý nhiều dự án, nhiều môi trường truyền, nhiều tiêu chuẩn và nhiều công nghệ khác nhau. Khả năng ‘quản lý mọi thứ’ sẽ là yêu cầu mới và ngày càng phổ biến trong chứng nhận hệ thống cáp. Các nhà lắp đặt kết nối cáp chuyên nghiệp cần phải tạo ra khác biệt gì để đảm bảo thành công và mang lại lợi nhuận? Sẽ cần điều chỉnh những gì để phù hợp với sự thay đổi của môi trường truyền, tiêu chuẩn và một số yếu tố khác? Hơn nữa, chúng ta sẽ thay đổi cách quản lý dự án như thế nào? Phần dưới đây sẽ phân tích rõ những khả năng này.

Môi trường thay đổi

Như chúng ta biết, việc lắp đặt lớp vật lý trong các TTDL đang thay đổi. Trước đây, kiến trúc mạng 3 tầng gồm tầng truy cập, tầng phân phối và tầng lõi thường được sử dụng khi thiết kế TTDL. Tuy nhiên, đang có những thay đổi đáng kể khi các máy chủ và các thiết bị lưu trữ riêng lẻ giờ đã được ảo hóa, dẫn đến sự gia tăng mật độ và nhu cầu về hiệu suất cao trong TTDL. Kiến trúc mạng 3 tầng sẽ bị phá vỡ thành một kết nối mạng duy nhất, hứa hẹn mang đến hiệu suất cao hơn. Bên cạnh đó, thời đại của BYOD sẽ ảnh hưởng lớn đến hệ thống mạng. Trong các nhánh ngang của kết nối mạng, các kết nối sẽ bị phủ đầy bởi lượng thiết bị không dây ngày càng tăng. Với những vấn đề liên quan đến thời gian truyền, giao thoa sóng, điểm truy cập giả mạo và một số vấn đề khác, Wifi sẽ khiến cơ sở hạ tầng mạng ngày càng thêm phức tạp.
Trong thập niên qua, các kết nối cáp đồng 1 Gbps đã được sử dụng vô cùng hiệu quả do có giá thành không đắt, lại dễ dàng lắp đặt và đo kiểm, đáp ứng được hầu hết nhu cầu của người dùng. Nhưng đến hiện tại, nó đã không còn phù hợp và các hệ thống mạng đang chuyển dần từ kết nối cáp đồng 1 Gbps sang cáp đồng 10 Gbps, cáp quang 40 Gbps, thậm chí là 100 Gbps. Khi dữ liệu truyền trên mỗi kết nối cáp càng nhiều, thì vai trò của chúng cũng càng quan trọng hơn.

Thách thức từ sự phát triển

Các tiêu chuẩn mới được phát hành khiến vấn đề càng thêm phức tạp. Trước đây, người dùng sử dụng cáp Cat 5 như một lựa chọn tất yếu, nhưng giờ họ đã có nhiều lựa chọn hơn với Cat. 5e, Cat. 6, Cat. 6A hoặc Cat 7 đối với cáp đồng, và nhiều loại cáp quang khác. Sự đa dạng của tiêu chuẩn ngành, hệ thống đo lường và các yêu cầu hợp chuẩn càng làm tăng thêm tính phức tạp với những thuật ngữ viết tắt khó hiểu như TIA, ISO, EF, TCL, CDNEXT, TCLT, ELTCTL… và các chuẩn Wi-fi 802.11a, b, g, n, ac & ad. Xa hơn nữa là các khái niệm như “kéo cáp Cat. 6 này và kết nối đến tủ server, kéo cáp Cat. 6 này và kết nối đến switch, kéo cáp Cat. 5e này cho mạng LAN...”
Máy đo kiểm Fluke-networks
Trong thời điểm hiện tại, những người chịu trách nhiệm triển khai và bảo trì cơ sở hạ tầng (các bộ phận thi công cáp, quản lý dự án, quản trị mạng và một số vị trí khác) đang phải đối mặt với sức ép về nguồn lực. với những ràng buộc về thời gian và chi phí, họ cần phải làm được nhiều việc hơn, với tốc độ nhanh hơn.
Một thực tế có thể không được thừa nhận trong tình huống này là sự hạn chế về nhân sự và chuyên môn. Một số nhân sự được đào tạo về chuyên môn để làm những công việc nhất định thường không đủ đáp ứng nhu cầu thực tế (đặc biệt, tỷ lệ người thi công lắp đặt không tương xứng với số lượng cần lắp đặt) và một số khác bị hạn chế về chuyên môn. Sự phân chia giữa những người quản lý dự án và người thi công lắp đặt ngày càng rõ ràng. Những người quản lý dự án có các chứng chỉ nghề nghiệp và chuyên môn thật sự đáp ứng được yêu cầu của việc lắp đặt và đo kiểm, trong khi những kỹ thuật viên hoặc người thi công lại bị hạn chế về đào tạo, có chuyên môn thấp và thậm chí trong một số trường hợp còn sử dụng cả công nhân thời vụ.
Dù nguồn lực hạn chế và phải làm việc trong các môi trường có dự án kết nối cáp phức tạp, nhưng yêu cầu về số lượng lắp đặt và chứng nhận cáp vẫn ngày càng tăng. Theo các cuộc khảo sát, gần 95% nhà thầu mong muốn số lượng kết nối cáp được chứng nhận trong năm sau sẽ bằng hoặc cao hơn năm nay, 59% trong số đó muốn duy trì chỉ tiêu như cũ và 34% mong muốn đạt số lượng cao hơn. Trong quá trình thi công, đo kiểm và chứng nhận là công đoạn cần thiết nhằm đảm bảo mọi kết nối đều hoạt động tốt. Các bảng báo cáo chứng nhận sẽ giúp việc xử lý sự cố thuận lợi hơn, đây đồng thời cũng là yêu cầu bắt buộc trong chính sách bảo hành của các nhà sản xuất cáp.
Với khối lượng công việc nhiều và nguồn lực khan hiếm, các nhà thầu thường triển khai riêng biệt đội thi công/đo kiểm và đội dịch vụ. Thực tế, phương pháp tiếp cận này có thể làm tách biệt các nhân sự có khả năng sửa chữa những kết nối bị lỗi với các nhân sự sẽ phát hiện ra lỗi trong quá trình đo kiểm. Khi một lỗi được tìm thấy và không thể khắc phục ngay lập tức, công việc sẽ bị gián đoạn. Một khảo sát gần đây với những người thi công cho thấy, 55% trong số họ thường luân chuyển thiết bị đo kiểm của mình nhiều lần trong một tháng từ công trình này đến công trình khác.
Theo kết quả các cuộc khảo sát được thực hiện bởi Fluke Networks, 91% những người lắp đặt ở Mỹ, 90% ở Châu Á, và 97% ở Châu Âu cho biết có ít nhất một sự cố xảy ra trong 30 ngày gần nhất. Trong đó, hơn một nửa những người lắp đặt ở Mỹ và Châu Âu báo cáo có hơn 7 sự cố, và hơn một nửa những người lắp đặt ở Châu Á báo cáo có hơn 10 sự cố trong khoảng thời gian này.
Cần lưu ý rằng trong những sự cố này sẽ có nhiều vấn đề liên quan đến cáp và thi công cáp. Khả năng xảy ra lỗi trong quá trình thi công là rất đáng kể. Do có nhiều người khác nhau cùng thi công, nên khi chứng nhận có thể gặp các lỗi như thông số đo kiểm không đúng, cấu hình nhầm, sai dữ liệu đo kiểm, kết quả không phù hợp, đo kiểm hoặc báo cáo không đầy đủ… Tính linh động của công cụ đo kiểm (có khả năng di chuyển từ công trình này qua công trình khác và quay lại công trình đang thi công mà không cần phải cài đặt lại thiết bị và dữ liệu) là yếu tố góp phần đáng kể giúp hạn chế các lỗi xảy ra trong quá trình này.
Những sự cố này sẽ làm giảm năng suất của người thi công. Dữ liệu khảo sát cho thấy, trung bình mất 45 giờ để giải quyết các sự cố về hạ tầng kết nối cáp trong những dự án có khoảng 1000 kết nối ở Mỹ. Con số này ở Châu Á là 61 giờ và ở Châu Âu là 26 giờ.

Đâu là giao điểm?

Mâu thuẫn giữa tính phức tạp ngày càng tăng và chuyên môn yếu chính là nguyên nhân tạo ra xung đột. Triết lý này ngụ ý rằng nếu thứ gì đó không thay đổi thì sẽ bị thứ khác thay thế. Khi tính phức tạp ngày càng tăng nhưng nguồn lực lại không tăng tương xứng, sẽ dẫn đến sự gia tăng về mặt thời gian hoặc chi phí cho mỗi lắp đặt. Điều này làm giảm tốc độ tăng trưởng do phải mất rất nhiều thời gian để kiểm tra và chứng nhận các kết nối, hoặc do chi phí tăng lên. Vì vậy, cần tập trung nâng cao chuyên môn và bổ sung thêm nguồn lực để bắt kịp với nhu cầu khối lượng và tính phức tạp ngày càng tăng nhanh hiện nay.
Rõ ràng, tính hiệu quả và linh hoạt chính là yêu cầu cần thiết cho những công cụ được sử dụng để đo chứng nhận hiệu suất hệ thống kết nối cáp. Những công cụ này (đảm nhận vai trò quan trọng hơn trong quá trình thi công) sẽ gây ra nhiều ảnh hưởng đến việc kinh doanh của các nhà thầu lắp đặt. Trong 10 năm qua, tốc độ (cùng độ chính xác và độ tin cậy) chính là những giá trị vô giá mà công cụ chứng nhận đã cung cấp cho người dùng. Nhưng chính những xu hướng phát triển của ngành được mô tả trong bài viết này sẽ tạo ra cơ hội mới giúp các nhà quản lý rút ngắn thời gian, giảm thiểu chi phí, hạn chế độ phức tạp và lỗi trong quá trình cấp chứng nhận.
Nhiều dự án hiện nay thường áp dụng quy trình cấp chứng nhận hiệu suất hệ thống kết nối cáp với 6 bước như sau:
1. Lập kế hoạch– Công việc của người quản lý dự án. Hầu hết các công ty thi công hiện nay đều quản lý việc đo kiểm và chứng nhận hiệu suất hệ thống kết nối cáp của nhiều dự án cùng lúc, với nhiều đội, nhiều công cụ đo kiểm và nhiều yêu cầu khác nhau. Do đó, nhất thiết phải lập kế hoạch thực hiện cụ thể nhằm đảm bảo hiệu quả công việc và tránh xảy ra những sai sót gây tốn kém.
2. Cài đặt– Kỹ thuật viên phải hiểu rõ mọi yêu cầu và sử dụng các công cụ được cấu hình đúng. Sự đa dạng về môi trường truyền và nhiều tiêu chuẩn khác nhau chỉ là một trong những yếu tố phức tạp ảnh hưởng đến việc cài đặt. Do đó, khi sử dụng công cụ, các kỹ thuật viên phải được đào tạo về chuyên môn, nếu không đủ chuyên môn thì phải đợi các chuyên gia đến cài đặt công cụ nhằm đảm bảo mọi thông số đều đúng, tránh nguy cơ gây ra lỗi và phải làm lại.
3. Đo kiểm– Phải đảm bảo tốc độ đo kiểm ngày càng nhanh và chính xác hơn, nhằm rút ngắn thời gian, chi phí nhân công trong quá trình đo kiểm nói riêng và quá trình thi công lắp đặt nói chung.
4. Xử lý sự cố– Trình độ chuyên môn của mỗi kỹ thuật viên khác nhau, chỉ cần thiếu một số kỹ năng nhất định về lắp đặt hoặc về các chuẩn cũng sẽ khiến tiến độ dự án bị chậm lại. Để tránh tình trạng này, các kỹ thuật viên cần phải luôn đảm bảo được các yêu cầu về chuyên môn.
5. Bảng báo cáo– Kết quả của việc lắp đặt. Lắp đặt theo nhiều phương pháp khác nhau sẽ làm tăng tính phức tạp do sử dụng nhiều người, nhiều nhóm đo kiểm, và nhiều mức độ đo kiểm khác nhau. Do đó, quá trình đưa ra các báo cáo chính xác thường mất nhiều thời gian. Nhưng các lỗi và sai sót sẽ được thể hiện rõ ràng nhất trong chính những bảng báo cáo này, giúp nhà quản lý nắm rõ nguyên nhân gây chậm trễ.
6. Bàn giao hệ thống– Đây là một thách thức lớn đối với khách hàng. Ngay cả những người lắp đặt khá hiểu biết về kết nối cáp vẫn có thể bị lúng túng bởi tính phức tạp ngày càng tăng, nên khách hàng, đặc biệt là những người không hiểu rõ về kết nối cáp, sẽ rất dễ bối rối bởi các bảng báo cáo phức tạp, các mức độ đo kiểm đa dạng và một số các yếu tố khác.

Tương lai của đo chứng nhận

Để đáp ứng những yêu cầu như trên, giải pháp khả thi nhất chính là bổ sung thêm nhiều người quản lý dự án có chuyên môn. Họ có thể sử dụng những tri thức chuyên môn được đào tạo và khả năng giám sát cần thiết để loại bỏ các vấn đề xảy ra và cải thiện hiệu quả hoạt động. Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp thực tế, giải pháp này lại không mang tính khả thi về kinh tế. Khi đó, cần phải có một giải pháp khác, chính là sử dụng những công cụ đo kiểm có khả năng thực hiện những nhiệm vụ này và đồng thời cung cấp khả năng quản lý quá trình đo kiểm.
Giải pháp đo kiểm hỗ trợ những khả năng này sẽ giúp người quản lý xử lý công việc nhanh hơn, giúp tiến hành tất cả quá trình đo chứng nhận chỉ trong 6 bước, và hỗ trợ người quản lý xoay xở trong nhiều tình huống, nhiều dự án đo kiểm khác nhau. Để giải quyết những thử thách trong môi trường chứng nhận hiện nay, công cụ đo kiểm phải được thiết kế từ nền tảng của nhiều môi trường. Đáp ứng được điều này sẽ hỗ trợ rất nhiều cho những người quản lý dự án và kỹ thuật viên trong quá trình giải quyết các thử thách liên quan đến việc chứng nhận hiệu suất hệ thống kết nối cáp.
Đông Minh
Theo CIM