Thứ Tư, 25 tháng 11, 2015

Tiêu chuẩn nhãn in trong hệ thống mạng

Tiêu chuẩn nhãn in trong hệ thống mạng

Đánh nhãn hệ thống cáp giúp vận hành công việc và quản trị hệ thống dễ dàng hơn bao giờ hết. Ví dụ như phát hiện và xử lý sự cố nhanh hơn, giảm thời gian gián đoạn mạng, đảm bảo chất lượng hệ thống cáp và tuân thủ các điều kiện bảo hành từ nhà sản xuất và đơn vị thi công
Tiêu chuẩn ANSI/TIA 606-B được công bố vào năm 2012, cung cấp một tiêu chuẩn kỹ thuật chung cho việc đánh nhãn hệ thống cáp và là một trong những phương thức quản trị tốt nhất trong lĩnh vực hạ tầng cáp cấu trúc hiện nay. Ngoài ra, ANSI/TIA 606-B còn quy định tiêu chuẩn đánh nhãn cho nhiều loại kiến trúc khác nhau như tòa nhà văn phòng, tòa nhà thương mại, tòa nhà trong khuôn viên rộng lớn, trung tâm dữ liệu... Đánh nhãn hệ thống cáp sẽ giúp nhà quản trị có được những thông tin về vị trí kết nối một cách chính xác nhất. Nếu không đánh nhãn, khi xảy ra sự cố kết nối, nhà quản trị hệ thống không thể tìm ra vấn đề nằm ở đâu trong số hàng ngàn kết nối của hệ thống. Để xử lý được sự cố, quản trị viên phải liên hệ lại những đơn vị thi công, việc đó làm mất rất nhiều thời gian và chi phí trong khi hệ thống vẫn đang không thể hoạt động.
Đánh nhãn hệ thống cáp không phải là yêu cầu bắt buộc, nhưng sẽ nó sẽ giúp nhà quản trị xử lý sự cố nhanh hơn, đơn vị tư vấn hoạt động chuyên nghiệp hơn và đơn vị thi công đảm bảo chất lượng lâu dài hơn cho dự án.
Việc đánh nhãn và thiết lập sơ đồ đánh nhãn hạ tầng mạng theo tiêu chuẩn là vô cùng quan trọng và được xem là yêu cầu thiết yếu trong việc quản trị hạ tầng hệ thống cáp. Một sơ đồ đánh nhãn hoàn thiện sẽ giúp các nhà quản trị tiết kiệm thời gian xử lý sự cố, giảm các lỗi do con người gây ra và tăng vòng đời của hệ thống mạng. Hiện nay, ngày càng có nhiều nhà quản lý CNTT, đơn vị thiết kế/tích hợp hệ thống, đơn vị thi công hệ thống CNTT yêu cầu bắt buộc đánh nhãn theo tiêu chuẩn để quản lý tất cả các thành phần trong hệ thống của họ.

Tổng quan về tiêu chuẩn 606-B

Về nhãn in

Tiêu chuẩn ANSI/TIA 606-B quy định các đoạn văn bản trên nhãn in phải được nhìn thấy rõ ràng trên cáp, nhãn phải được đánh dấu ở cả hai đầu của một tuyến cáp để dễ dàng “truy tìm” từ hai hướng.
Bên cạnh đó, nhãn in phải đáp ứng các đặc điểm kỹ thuật UL 969 (độ dễ đọc, độ bền nhãn và độ bám dính). Điều này đồng nghĩa với việc cần phải thiết kế các loại nhãn phù hợp và đáp ứng với những môi trường (nhiệt độ, độ ẩm, ánh sáng cực tím) và ứng dụng (cáp, tủ rack, thanh đấu nối…) khác nhau.
Đánh nhãn điểm đầu và điểm cuối từng kết nối trong toàn bộ hệ thống cáp sẽ giúp nhà quản trị xây dựng được sơ đồ kết nối cụ thể, đó là một trong những hướng dẫn điển hình cho một hệ thống cáp cấu trúc. Nếu đường cáp hoặc vị trí kết nối có vấn đề, dựa vào sơ đồ này người quản trị có thể xử lý sự cố dễ dàng và nhanh hơn, giảm tối đa thời gian chết của hệ thống.

Về quản trị

Tiêu chuẩn 606-B quy định về việc quản trị viên phụ trách các thiết bị hạ tầng và đội ngũ IT cần đảm bảo nhãn in trên cáp và các thành của hệ thống phải được cập nhật sau những lần thay đổi (MAC). Quản trị viên phải cập nhật lại những lần thay đổi trong tài liệu đánh nhãn. Một tài liệu đánh nhãn hoàn chỉnh phải thể hiện được sơ đồ đánh nhãn và hướng dẫn chi tiết chính xác nhất, cung cấp tất cả thông tin cần thiết cho đội ngũ quản trị khắc phục các sự cố hư hỏng do cháy, lũ lụt, động đất hoặc rủi ro khác.

Cách đánh nhãn cho những nhà thi công chuyên nghiệp

“Các nhà thiết kế hệ thống và nhà thầu thi công chuyên nghiệp trong lĩnh vực cáp cấu trúc đều đánh nhãn dựa theo tiêu chuẩn ANSI/TIA để quản lý hệ thống cáp cấu trúc trong các dự án của họ” nhận xét từ Bill Lenz, RCDD– kỹ sư truyền thông cấp cao của Genesis Cabling Services. Ông là người đã phổ biến máy in nhãn công nghiệp, là một kỹ sư và cựu giảng viên giàu kinh nghiệm được tổ chức BISCI chứng nhận, Lenz hiểu rất rõ vai trò và giá trị của các tiêu chuẩn công nghiệp. Ông lưu ý: “Khách hàng của chúng tôi rất coi trọng dự án của họ, dù lớn hay nhỏ, tất cả đều phải lắp đặt hoàn toàn tuân thủ theo các tiêu chuẩn phù hợp. Chúng tôi không những đánh nhãn mà còn thiết lập sơ đồ hệ thống đánh nhãn, tài liệu quản trị, lưu vào cơ sở dữ liệu để đảm bảo tính chính xác, giúp việc quản trị sau này thuận lợi hơn”. Đây là bước cần thiết để đảm bảo chất lượng lâu dài của hệ thống. Nếu không xác định được chính xác vị trí từng thành phần trong cơ sở hạ tầng mạng, bạn đang đưa doanh nghiệp vào tình thế nguy hiểm. Do đó, việc tuân thủ tiêu chuẩn đánh nhãn trong hạ tầng mạng là phương thức quản trị hiệu quả nhất. Chính điều đó sẽ giúp các tổ chức, doanh nghiệp khai thác tối đa sức mạnh của hạ tầng mạng, giảm thiểu thời gian chết của hệ thống và giảm chi phí xây dựng lại trong trường hợp xảy ra sự cố.

Những máy in nhãn thế hệ mới

Sử dụng nhãn và đánh nhãn theo tiêu chuẩn cho tất cả các thành phần trong hệ thống mạng nghe có vẻ phức tạp, nhưng với các giải pháp dựa trên công nghệ hiện đại, việc này trở nên dễ dàng hơn. Trên thị trường hiện nay, có nhiều máy in nhãn ứng dụng công nghệ thông minh cho độ linh hoạt cao, kết hợp với các tính năng chuyên sâu giúp việc đánh nhãn nhiều thành phần khác nhau trong hệ thống mạng trở nên dễ dàng và nhanh chóng.
Máy in nhãn cầm tay với thiết kế cứng cáp, bền, dễ thao tác và hoạt động ổn định trong thời gian dài, là sản phẩm chuyên dụng, lý tưởng cho các đơn vị thi công sử dụng tại công trường. Ngày nay, các máy in nhiệt được sử dụng nhiều nhờ có hộp mực tích hợp chung với cuộn nhãn (băng nhãn), có thể dùng cho nhiều khổ nhãn bề ngang đến 24 mm hoặc 36 mm, và dễ dàng thay thế các cuộn nhãn khác nhau. Các cuộn nhãn được chế tạo từ chất liệu polyeste laminated với độ bền được UL chứng nhận. Nhãn in được bảo vệ bằng hai lớp màng bọc bên ngoài, đảm bảo cả nhãn và lớp mực in không bị giảm chất lượng trong thời gian dài. Nhãn in và chất bám dính đáp ứng tiêu chuẩn chất lượng 606-B– quy định về độ bền cho nhãn in.
Một số máy in nhãn thông minh tích hợp sẵn wifi, có khả năng kết nối không dây và tích hợp phần mềm cho phép người dùng lưu trữ dữ liệu hoặc tải dữ liệu về từ cơ sở dữ liệu chung. Người dùng cũng có thể truy cập trang web của nhà sản xuất để tải về thiết kế các mẫu nhãn có sẵn, nhờ đó tăng đáng kể hiệu suất và rút ngắn thời gian đánh nhãn.
Qua nhiều năm sử dụng những máy in nhãn thông minh, Lenz nhận xét cả hai dòng sản phẩm máy in nhãn cầm tay và máy in nhãn để bàn đều phù hợp cho những dự án từ nhỏ đến lớn. Ông giải thích: “Nhờ những ưu điểm về chức năng và tính linh hoạt, sản phẩm này có thể đánh bại các máy in nhãn mới nhất trên thị trường. Trong những dự án lớn, in nhãn tuần tự và các tùy chọn kết nối không dây là tính năng vô cùng hữu ích. Nhờ khả năng in nhãn nhanh chóng và linh hoạt, công cụ này giúp việc đánh nhãn thuận tiện hơn nhiều, dù là nhãn dạng mã vạch hay những biểu tượng công nghiệp và đồ họa. Đội thi công lắp đặt dễ dàng tìm thấy những biểu tượng phù hợp để sử dụng mà không cần phải qua đào tạo hoặc mất thời gian nghiên cứu các tài liệu hướng dẫn đi kèm. Với những dòng sản phẩm máy in nhãn cầm tay có chi phí hợp lý, mỗi kỹ thuật viên đều có thể trang bị một máy để đem theo đến bất cứ đâu và làm việc một cách tiện lợi nhất”. Khi lựa chọn máy in nhãn công nghiệp cầm tay, có thể dễ dàng nhận thấy các tính năng nổi trội của dòng sản phẩm này:
  • Bàn phím QWERTY: có các nút đánh dấu rõ ràng, thanh điều hướng dễ thao tác cho phép thiết kế và chỉnh sửa các nhãn khác nhau nhanh hơn chỉ với một vài tổ hợp phím.
  • Màn hình LCD lớn: cung cấp khả năng hiển thị tối ưu trong mọi môi trường, mang lại cái nhìn toàn diện về nhãn in sau khi thiết kế và trước khi in, giúp người dùng dễ dàng thao tác chỉnh sửa, thiết kế lại nhãn in cho phù hợp.
  • Tự động điều chỉnh kích thước chữ thông minh: ở chế độ này, kích cỡ chữ và chiều dài nhãn sẽ được tự động cân chỉnh để nhãn sau khi in có chiều dài hợp lý và rõ ràng nhất, phù hợp với các định dạng của tiêu chuẩn ANSI/TIA. Với chế độ tự động thông minh này, người dùng có thể an tâm nhãn sau khi in sẽ phù hợp cho các loại cáp đồng đôi xoắn, cáp quang, dây điện, mặt ổ cắm, thanh đấu nối...
  • Tốc độ in nhanh hơn: tăng hiệu quả và năng suất đánh nhãn.
  • Kết nối máy tính, phần mềm tích hợp sẵn và bộ nhớ của máy: ngoài việc sử dụng các mẫu nhãn được thiết kế sẵn, người dùng có thể sử dụng phần mềm tích hợp sẵn để thiết kế nhiều mẫu nhãn khác nhau và lưu lại bộ nhớ của máy hoặc tải về thêm các mẫu nhãn được thiết kế sẵn khác.
  • Giao diện người dùng đa ngôn ngữ: tạo ra môi trường làm việc thân thiện hơn, người dùng không cần lo lắng về sự bất đồng ngôn ngữ nữa.
Ngày nay, những máy in nhãn thông minh sẽ sử dụng được với nhiều loại băng nhãn khác nhau về kích cỡ, màu sắc cho đến chất kết dính để phục vụ nhu cầu đa dạng của người dùng. Bên cạnh đó, một số người dùng cũng chọn sử dụng loại nhãn chuyên biệt để in trên ống co nhiệt, thường áp dụng cho cáp sợi quang.

Kết luận:

Dù chỉ là một trong những yếu tố giúp hoàn thiện cho hệ thống cáp cấu trúc, nhưng việc đánh nhãn có ý nghĩa thực sự quan trọng. Chẳng hạn trong Trung tâm Dữ liệu, để đảm bảo hệ thống đáp ứng yêu cầu hoạt động xuyên suốt, hiệu suất ổn định và xử lý nhanh nhất các sự cố kết nối, cần phải có một hệ thống đánh nhãn hoàn chỉnh. Bất kể bạn đang thiết lập hệ thống hạ tầng mạng mới, nâng cấp mạng LAN, lắp đặt máy chủ mới, nâng cấp đường trục chính, hoặc kéo cáp lại cho toàn bộ hệ thống, cần phải đánh nhãn sau khi hoàn thành các hoạt động trên. Ngoài việc đánh nhãn phải tuân thủ tiêu chuẩn ANSI/TIA-606-B, bạn cũng cần một máy in nhãn thông minh để nâng cao năng suất làm việc. Các giải pháp quản lý cáp cao cấp và các máy in nhãn cầm tay hiện nay hoàn toàn có thể đáp ứng được yêu cầu này. Chỉ với một khoản chi phí tương đối thấp, bạn đã có thể sở hữu chiếc máy in nhãn cầm tay mang lại hiệu quả cao.
Lê Trần Chinh
Theo Cabling Installation & Maintenance

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét