Thứ Ba, 24 tháng 11, 2015

Lựa chọn dây nhảy quang cho hệ thống mạng

Lựa chọn dây nhảy quang cho hệ thống mạng

Dây nhảy nói chung và dây nhảy quang nói riêng là thành phần không thể thiếu trong hệ thống cáp mạng. Việc lựa chọn dây nhảy quang với chất lượng và chi phí hợp lý trở thành mối quan tâm đáng kể của các nhà thi công.
Hiện nay, một số nhà thi công không chuyên thường chọn dây nhảy quang dựa trên yếu tố chi phí thấp, tức ưu tiên chọn loại dây rẻ tiền hơn. Tuy nhiên, lựa chọn này lại dẫn đến nhiều tác động tiêu cực: hệ thống không đáp ứng được yêu cầu về hiệu suất, các chỉ số về suy hao, nhiễu,... hoặc nguy hiểm hơn, có thể gây lỗi cho cả hệ thống. Khi đó, chi phí để khắc phục các lỗi nói trên còn cao hơn nhiều lần so với việc bỏ ra chi phí ban đầu để lựa chọn chính xác loại dây nhảy đạt chuẩn. Nhà thi công có thể cân nhắc giữa hiệu quả chi phí thấp trước mắt và hiệu quả hoạt động lâu dài của hệ thống mạng.


Bên cạnh những yếu tố cơ bản như loại dây nhảy (multi-mode hay single-mode), chuẩn đầu nối (LC, SC, ST...), còn một số tiêu chí quan trọng khác cần được quan tâm khi lựa chọn dây nhảy quang cho hệ thống mạng.
Tỉ lệ suy hao thấp 
Dây nhảy quang có tỉ lệ suy hao càng cao, xác suất hệ thống bị lỗi càng nhiều, do đó nên chọn dây nhảy quang có tỉ lệ suy hao thấp. Ví dụ, theo tiêu chuẩn ANSI/TIA-568C.0 và ISO/IEC 11801:2002 Test Limit, tỉ lệ suy hao tối đa cho phép là 0.75 dB đối với một kết nối của dây nhảy quang có chuẩn đầu nối LC, SC. Những loại dây nhảy quang có chỉ số suy hao lớn hơn thông số nêu trên đều không đạt chuẩn. Nếu sử dụng, sẽ dễ gây lỗi cho hệ thống mạng. Ngoài ra, còn phải kể đến một yếu tố khác là cường độ tín hiệu. Cường độ tín hiệu càng tốt, khả năng lỗi mạng càng thấp. Kết hợp cả hai yêu tố trên sẽ giúp giảm thiểu nguy cơ lỗi hệ thống, giảm thời gian khắc phục sự cố và thời gian chết của hệ thống.
Khả năng tái sử dụng
Khả năng tái sử dụng của dây nhảy quang có thể hiểu chính là số lần cắm/rút của một dây nhảy quang. Một dây nhảy quang chất lượng kém (thành phần cấu tạo lẫn nhiều tạp chất, kĩ thuật bấm đầu nối kém) nhìn bên ngoài không khác gì so với các lại dây nhảy chất lượng tốt. Nhưng khi đưa vào sử dụng, sau một vài lần cắm/rút, nguy cơ gây lỗi cho hệ thống lại rất cao. Điều này gây rất nhiều phiền toái cho người quản trị hệ thống, nhất là với những hệ thống mạng lớn, đòi hỏi cao về tính liên tục và khả năng bảo mật của hệ thống.
Một nhà sản xuất dây nhảy quang uy tín sẽ liên tục thử nghiệm sản phẩm của mình để đảm bảo dây nhảy vẫn hoạt động tốt sau nhiều lần cắm/rút. Do đó, để đảm bảo lựa chọn dây nhảy quang đạt chuẩn, hãy yêu cầu cung cấp đầy đủ những thông tin cụ thể về cấu tạo của dây nhảy quang và cả kết quả số lần thử nghiệm cắm/rút từ nhà sản xuất.
Khả năng quản lý
Khi lựa chọn dây nhảy quang, người sử dụng thường ít quan tâm đến việc quản lý nó. Theo thói quen, khi đặt hai sợi dây nhảy quang cạnh nhau, người dùng thường chọn dây nhảy nào có lớp vỏ bọc dày hơn, tuy nhiên điều đó không phải lúc nào cũng chính xác. Với một trung tâm dữ liệu có mật độ sử dụng cáp rất lớn, lớp vỏ bọc cáp quá dày có thể dẫn đến những ảnh hưởng không mong muốn như:
  • Các sợi cáp chèn ép lên nhau, gây tổn hại cáp.
  • Hệ thống máng cáp bị quá tải.
  • Ảnh hưởng đến sự lưu thông luồng khí nóng/lạnh trong trung tâm dữ liệu, gây cản trở quá trình làm mát và tản nhiệt cho thiết bị.
  • Có thể làm xuất hiện các lỗi điển hình cho hệ thống cáp quang như macro bend hay micro bend...
    Lựa chọn dây nhảy quang với chất lượng và chi phí phù hợp sẽ mang lại hiệu quả hoạt động lâu dài cho hệ thống mạng. Việc cân nhắc những vấn đề nêu trên sẽ giúp bạn hạn chế nguy cơ mắc lỗi của hệ thống, tiết kiệm thời gian và chi phí khắc phục khi có sự cố xảy ra.
    Trương Hoàng Quí

    Không có nhận xét nào:

    Đăng nhận xét